Doanh nghiệp

Có doanh nghiệp phải vay ngoài để trả nợ ngân hàng

Tóm tắt:
  • Nhiều doanh nghiệp phải vay ngoài để trả nợ gốc và lãi ngân hàng nhằm tránh chuyển nhóm nợ xấu.
  • Nếu dòng tiền không kịp, doanh nghiệp có thể bị áp lực từ bên ngoài và đe dọa tính mạng.
  • Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bán tài sản để trả nợ, dẫn đến lãi phát sinh tăng cao.
  • Các ngân hàng cần giảm lãi suất và đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  • Ngành ngân hàng cam kết tăng cường hỗ trợ và đầu tư tín dụng cho các dự án phát triển kinh tế khu vực.

Thông tin được bà Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng - đưa ra tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực 14 (Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu), do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức ngày 25/3, tại TP. Cần Thơ.

Có doanh nghiệp phải vay ngoài để trả nợ ngân hàng ảnh 1

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CK.

Theo bà Mã Thị Thanh, trước biến đổi khí hậu khó lường, đặc biệt 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp (DN) vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sức chống chịu cao hơn vùng miền khác. Trong vùng, số DN thành lập tuy thấp hơn bình quân cả nước nhưng số DN giải thể cũng thấp hơn. Bà Thanh chỉ ra, rất nhiều DN trong vùng khi gặp khó khăn không thể tự bán nhanh tài sản để trả nợ, lấy vốn còn lại để gầy dựng lại DN, hoặc thành lập DN mới. Do bán tài sản không kịp để trả nợ ngân hàng dẫn tới lãi phát sinh tăng cao.

"Tài sản cầm cố của DN khi phát mãi từ các ngân hàng chậm do sức mua có hạn, phải chịu lãi phạt 1,5 lần, rất khổ cho DN, dẫn đến khi bán được tài sản, DN không còn cơ hội để gầy dựng lại, có người trắng tay. Nhiều DN vay nhiều ngân hàng khi bị rủi ro ở một ngân hàng thì lập tức phải chuyển nhóm rủi ro cả hệ thống, làm cho nợ xấu tăng cao. DN bị chuyển nhóm nợ không thể vay để sản xuất kinh doanh, trả nợ vào không được vay lại", bà Thanh nói.

Theo bà Thanh, vừa qua có DN phải vay ngoài để trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng, để không bị chuyển nhóm nợ. Khi tiền về không kịp, số DN vay ngoài này có khi không thể vượt qua, bị bên ngoài đòi nợ và uy hiếp, kể cả đe dọa tính mạng.

Lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng kiến nghị, NHNN, các ngân hàng thương mại xem xét tăng vốn các gói hỗ trợ DN nhỏ và vừa; giảm lãi vay với các khoản vay đang từ 9-12%/năm (trở lên) về mức 6,5 - 7%/năm cho hợp lý hơn, giảm lãi phạt với DN... "Lợi nhuận của DN sẽ thấp và ngày càng thu hẹp, do chi phí đầu vào tăng”, bà Thanh nói.

Ông Lê Thanh Tiệp - Giám đốc Công ty CP Cadico - cho rằng, DN gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt DN nhỏ và vừa, do thủ tục vay phức tạp, các yêu cầu về hồ sơ, tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, mức lãi suất vay còn là gánh nặng, dù có hỗ trợ trong một số giai đoạn, nhưng lãi suất vẫn còn cao so với khả năng tài chính, làm ăn của DN. Một số DN cần vốn để mở rộng sản xuất, nhưng khó vay đủ, hoặc khó vay dài hạn. Ngành ngân hàng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt các yêu cầu về tài sản thế chấp đối với DN có phương án kinh doanh khả thi, giảm lãi suất vay, kéo dài hạn vay...

Có doanh nghiệp phải vay ngoài để trả nợ ngân hàng ảnh 2

Ông Trương Cảnh Tuyên - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ. Ảnh: CK.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - đề nghị, Giám đốc NHNN chi nhánh khu vực 14 tiếp tục có giải pháp hỗ trợ và phát triển DN, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN liên quan đến hoạt động ngân hàng để phối hợp tháo gỡ.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, đề án trọng điểm; chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt liên quan tới liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo; chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông sản, lâm, thủy sản…

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khu vực, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, DN, đặc biệt liên quan tới hỗ trợ sản xuất - tiêu thụ nông sản.

Có doanh nghiệp phải vay ngoài để trả nợ ngân hàng ảnh 3

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng kết luận hội nghị. Ảnh: CK

Cũng theo bà Hồng, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như cho vay chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Các tin khác

Giá vàng nhẫn tăng cao chưa từng có

10h30 sáng nay (28/3), Công ty CP Vàng bạc Bảo Tín Minh Hải niêm yết 98,7 - 100,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng mua vào và 900.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Đây cũng là kỷ lục mới của giá vàng nhẫn.

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh

Sáng nay (28/3), giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh và cao nhất lên tới 99,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC vẫn thấp hơn vàng nhẫn 1 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc chuyển mưa rét từ đêm nay

Từ đêm nay không khí lạnh sẽ khiến nền nhiệt giảm sâu ở miền Bắc, trời chuyển rét, đồng thời có mưa rào rải rác. Trong sáng nay, khu vực Đông Bắc Bộ cũng có mưa nhỏ, mưa phùn. Các khu vực khác trên cả nước ngày nắng, riêng Nam Bộ, vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ nắng nóng.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.