Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro) vừa có văn vản gửi đến các cơ quan chức năng về việc đề nghị xem xét các hoạt động bán hàng trực tuyến của các KOL, KOC, theo Tạp chí điện tử Lao động và xã hội.
Hội cho biết, thời gian qua, cơ quan nhận được nhiều đơn thư phản ánh, kiến nghị từ người tiêu dùng và nhà bán lẻ tại Việt Nam về việc nhiều KOL, người nổi tiếng hoạt động kinh doanh online có dấu hiệu bất hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Nổi bật gần đây nhất là hai trường hợp, thứ nhất Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du mục) quảng cáo sai sự thật. Thứ hai trường hợp Võ Thị Hà Linh (tức Võ Hà Linh hay Hà Linh Offical) kêu gọi trữ hàng, bán phá giá, bán hàng kém chất lượng
Về trường hợp của Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục, Hội đã có công văn gửi Cục An toàn thực phẩm/Bộ Y tế; Sở Y tế TP HCM; Sở Y tế Đak Lak để phối hợp trao đổi thông tin xử lý vụ việc. Vụ việc đến nay đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

'Chiến thần' Võ Hà Linh bị tố bán phá giá, bán hàng kém chất lượng. (Ảnh: Facebook/Võ Hà Linh)
Đối với Võ Hà Linh, KOL này là người liên tục bị phản ánh có hành vi bán phá giá, cung cấp hàng hóa kém chất lượng và kêu gọi người dân tích trữ hàng hóa. Những phản ánh này gây ra nhiều lo ngại cho cộng đồng người tiêu dùng cũng như tác động không nhỏ đến thị trường.
Cụ thể, trước phiên livestream bán hàng ngày 15/3/2025, trên Facebook có tích xanh, Võ Hà Linh đã kêu gọi người tiêu dùng mua hàng số lượng lớn với lý do sàn thương mại điện tử sắp tăng phí vào đầu tháng 4 tới.
KOL này còn bị tố liên tục bán hàng với giá thấp không tưởng, thấp hơn nhiều lần so với mức gia thị trường, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa tại các cửa hàng truyền thống.
Theo đơn thư người dân gửi về Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt nam, nếu tình trạng này tiếp diễn, thị trường tiêu dùng có thể mất cân bằng, gây thiệt hại cho các nhà bán lẻ và ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Trước những phản ánh trên, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã tiếp nhận ý kiến và thu thập thông tin gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cùng các đơn vị liên quan khác.
Hội cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý nếu phát hiện sai phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Đồng thời, mong muốn các cơ quan báo chí cùng vào cuộc để cung cấp thông tin chính xác, giúp người tiêu dùng có cái nhìn khách quan và tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch.
Ngoài livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Tikok, Facebook, Võ Hà Linh còn lập công ty riêng có CTCP Thương mại và dịch vụ Hà Linh Official. Công ty này được thành lập từ tháng 5/2021, có trụ sở chính tại phường Hưng Phúc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là quảng cáo. Người đại diện pháp luật là bà Võ Thị Hà Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
Đến tháng 10/2024, Hà Linh Official tăng vốn điều lệ lên 19,5 tỷ đồng nhưng chi tiết về cơ cấu cổ đông không được công bố chi tiết.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.