“Năm em học lớp ba, để có thêm thu nhập cho gia đình, ba em phải đi bán áo gối. Phía sau yên xe luôn là cái rổ rất to. Lúc ấy, em mặc cảm không muốn lên xe mỗi khi ba đón và nói với ba dừng xe ở một nơi cách xa trường để không bị bạn bè bắt gặp.”
Đó là Nguyễn Ngọc Thảo Linh khi còn là đứa trẻ 9 tuổi, tự ti và xấu hổ về nghề nghiệp của ba mình. Còn Thảo Linh của hiện tại đã trở thành một phiên bản tốt hơn, em thậm chí còn xuất sắc nhận được học bổng của 5 trường đại học Mỹ ở tuổi 13.
Thảo Linh đã vượt qua nỗi lo âu về kinh tế, sự mặc cảm khi bố là bảo vệ, mẹ là công nhân để tiếp tục theo đuổi con đường tri thức. Thảo Linh hiểu được rằng đằng sau sự thành công của em là cả sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cha mẹ.
Thảo Linh vừa xuất sắc nhận học bổng của 5 trường đại học ở Mỹ.
Gánh trên vai ước mơ của con
Chú Điệp ngồi trước cổng trung tâm Anh ngữ. Có chiếc xe nào đỗ xịch đến là người đàn ông với mái tóc muối tiêu mau lẹ chạy ra đón, rồi dắt xe vào trong. Công việc của chú là đón tiếp phụ huynh, dắt xe cho giáo viên, học viên và trông giữ xe. Người bảo vệ hướng mắt vào trong sảnh, nơi có tấm bảng thành tích của con gái chú: Đạt chứng chỉ Starters, Movers và Flyers (cả 3 đều 15/15 khiên) vào năm lớp 4.
“Dù có phải bán nhà, chú cũng có thể lo cho em du học.” Đó là lời nói của chú Nguyễn Ngọc Điệp (53 tuổi), bố bé Nguyễn Ngọc Thảo Linh – cô bé đạt được học bổng từ 5 trường đại uy tín ở Mỹ.
Chú Điệp hiện đang làm bảo vệ ở một trung tâm tiếng Anh tại quận 12 (TP. Hồ Chí Minh). Chú cho biết, đây là cái nôi tiếng Anh của Thảo Linh. Tại đây, em được tiếp thu kiến thức và trao dồi kỹ năng ngoại ngữ của mình từ rất sớm. Chú chia sẻ, bởi vì làm bảo vệ ở đây nên Thảo Linh được học tập với học phí giảm một nửa.
Chú không giấu nổi sự tự hào khi chia sẻ ngay từ nhỏ Thảo Linh đã thể hiện được khả năng học hỏi “thần đồng” của mình. Lúc 3 - 4 tuổi, Thảo Linh đã được bố dạy cho tập viết, đọc tiếng Việt rành rọt. Lên lớp 1, em đã có thể học tiếng Anh và nuôi đam mê du học từ lớp 3.
Gia đình cũng đã lập sẵn kế hoạch đường dài cho Thảo Linh, chỉ là không ngờ em lại hoàn thành vượt kế hoạch sớm đến như vậy.
“Tôi nhớ rất rõ hôm đó, là 5/2, sinh nhật con bé. Tự nhiên Thảo Linh bảo được học bổng của 5 trường đại học. Tôi cũng bất ngờ lắm, nhưng không quá sửng sốt, tại mình biết lực học của Thảo Linh.”, chú Điệp kể lại.
Khi được hỏi lý do tại sao không cho Thảo Linh du học ngay lúc này, chú cười: “Bây giờ thì không được, nhiều chuyện phải lo lắm. Hiện giờ kinh tế gia đình không cho phép.”
Chú Điệp là bảo vệ, trong khi cô Hà - mẹ Thảo Linh chỉ là một công nhân ở xưởng may. Thảo Linh cũng không phải con một trong gia đình. Trước em, trong nhà vẫn còn hai người chị. Vất vả mưu sinh để nuôi gia đình 5 người cùng với ước mơ du học của con gái út đã khiến mái tóc của chú Điệp lấm tấm hoa tiêu. Đã có lúc chú bán áo gối dạo tiếp bước con đường học hành của các con.
Để cho con được học ngoại ngữ và đi du học trong tương lai, cô chú đã tích góp sẵn một số tiền từ trước nhưng số tiền này vẫn quá nhỏ so với chặng đường dài phía trước. Mặc dù đã có học bổng của các trường đại học nhưng đó vẫn chưa là gì so với những chi phí gia đình phải chi trả để thực hiện ước mơ học tập ở trời Tây của con .
“Với lại, con bé còn nhỏ quá. Bây giờ Thảo Linh mới lớp 7, buông em ra thì chú không yên tâm”. Nào có bố mẹ nào đành lòng buông tay để con tự lập ở một nơi xa xôi khác khi đứa trẻ chỉ vừa mới 13 tuổi?
Các giấy khen và bằng khen của Thảo Linh được treo kín nhà.
Nếu Thảo Linh muốn đi du học ngay, chú Điệp cười: “Chú sẵn sàng bán căn nhà cho Thảo Linh đi du học. Miễn là em nó được học hành, theo đuổi đam mê đến nơi đến chốn là chú vui rồi."
Đối với chú, con cái được học hành là niềm tự hào của bản thân. Chú vừa kể vừa nhắc lại những thành tích của Thảo Linh, cái nào chú cũng thuộc nằm lòng, như đó chính là những thành tựu của chính bản thân mình.
Kết thúc buổi trò chuyện với chú Điệp, chúng tôi tìm về nhà Linh để gặp cô Nguyễn Thị Hà, mẹ của Linh. Nằm khuất sâu trong căn hẻm nhỏ thuộc khu phố 2, phường Thới An, quận 12, TP. HCM, mẹ Linh chào đón chúng tôi với một sự niềm nở mến khách. Cô cho hay, vừa trở về nhà sau giờ làm tại một xưởng may gần nhà. Lúc ấy là tầm 6 giờ chiều.
Đứa trẻ hiểu chuyện
Cũng giống như chú Điệp, cô Hà luôn ánh lên sự tự hào khi kể về Linh. “Mỗi ngày chú làm việc 7 tiếng, từ 6 giờ sáng đến 8 giờ sáng, rồi nghỉ ngơi, đây là thời gian chú dành cho việc quán xuyến gia đình cũng như chăm sóc Thảo Linh, đưa đón em đến trường. Sau đó, chú quay lại làm việc từ 16 giờ đến 21 giờ. Trong khi cô làm việc tại xưởng từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều, một tuần tăng ca ba hôm, hôm nào cũng đến 21 giờ tối.”
Cơm trưa chú nấu, cơm tối cô làm, có khi là chú chuẩn bị lúc cô tăng ca. Dù vậy, phần lớn thời gian của cô Hà là ở công xưởng, việc nhà và chăm sóc con cái đều do một tay chú Điệp đảm đương. Lúc này, người đàn ông phải vừa là cha, vừa là mẹ để vẹn toàn công việc và nuôi nấng 3 người con.
Công việc bố mẹ bận rộn, Thảo Linh có lẽ vì thế mà trở thành một cô bé độc lập, có thể tự chăm sóc bản thân, không đợi bố mẹ lo lắng, nhắc nhở như những bạn bè cùng lứa.
Cô Hà luôn ánh lên sự tự hào khi kể về Linh.
Cũng theo cô Hà, mỗi khoá học của Thảo Linh có chi phí khoảng 5 triệu/ khoá, còn mỗi lần thi lấy chứng chỉ sẽ có giá từ 3 triệu. Theo lực học của Thảo Linh, chương trình học sẽ ngày càng nâng cao đồng nghĩa với việc học phí cũng tăng dần. Trong khi đó, đồng lương của cô chú vẫn giậm chân tại chỗ.
Nhưng, Thảo Linh là một đứa trẻ hiểu chuyện. Em biết rằng bố mẹ không đủ tài chính cho giấc mơ du học của em ngay lúc này, vì vậy, mặc dù rất muốn được học tập ở nước ngoài, em vẫn tạm gác lại. Em chia sẻ, sắp tới sẽ cố gắng săn thêm nhiều học bổng, đặc biệt là những học bổng toàn phần để có thể hỗ trợ bố mẹ về mặt kinh tế. Nếu không, em sẽ tạm gác lại ước mơ du học của mình.
“Em mong rằng mình có thể đi ngay lúc này, hoặc đầu năm lớp 9, nhưng nếu không tìm được một học bổng tốt, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình thì em có thể đi sau, ở bậc Đại học hoặc Thạc sĩ chẳng hạn.”
Linh tâm sự, để tiết kiệm tiền chi phí học tập và đỡ gánh nặng cho bố mẹ, em chỉ học mỗi Tiếng Anh ở Trung tâm, còn tiếng Đức, Ý, em lựa chọn tự học.
Có lẽ vì bố mẹ đã quá nặng nhọc với cuộc sống mưu sinh, Thảo Linh tự mình vẹn toàn tất cả công việc, từ việc học cho đến sinh hoạt cá nhân. Tất cả những thông tin, hồ sơ du học em cũng tự mình chuẩn bị mà không cần đến sự hỗ trợ của ai. Thảo Linh dành gần 4 tháng để nghiên cứu về hồ sơ, trường học và tốn 1 năm để giành lấy học bổng của 5 trường đại học với trị giá gần 9 tỷ đồng mà không phiền đến bố mẹ.
“Em luôn cố gắng sắp xếp thời gian để vừa có thể học đều các môn trên trường, vừa có thời gian học tiếng Anh (đã đạt trình độ B2), tiếng Đức (hiện tại ở trình độ A2) và sắp tới là tiếng Ý. Ngoài ra, em còn thêm gia nhiều hoạt động ngoại khoá, hoạt động Đoàn để làm dày kinh nghiệm và vốn sống, chuẩn bị cho việc đăng ký “săn” học bổng ở nhiều trường đại học khác.”