Doanh nghiệp

CII tổ chức đại hội vẫn bất thành, lãnh đạo chia sẻ về quyết định đầu tư vào Tasco (HUT)

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII) triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 19/9. Đến thời điểm 9h00, ban tổ chức thông báo số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự đạt khoảng 88 triệu đơn vị, tương ứng với tỷ lệ hơn 31%. Do đó, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường không đủ điều kiện tiến hành (bất thành lần 1).

Trước thềm cuộc họp, phía CII đã quan ngại về khả năng tổ chức thành công, nên đã thông báo nhắc nhở cổ đông tham dự hoặc ủy quyền tham dự, qua cả các hình thức website, fanpage... Như đại hội trước, CII tiếp tục thông báo gửi quà tri ân cổ đông bằng tiền (qua tài khoản ngân hàng) khi tham dự trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác hoặc trưởng ban kiểm soát (của CII).

Ông Lê Quốc Bình, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của CII, cho hay phía công ty rất tiếc khi không thể tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường ngày 19/9, mặc dù số lượng tham dự trực tiếp và ủy quyền lần này cao kỷ lục, lên đến 218 đại biểu (thông thường khoảng 150 - 170 đại biểu). Công ty sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần hai trong vòng 1 tháng theo quy định.

Rất nhiều cổ đông CII tham dự trực tiếp cuộc họp ngày 19/9. (Ảnh: X.N).

Cuộc họp lần này, ban lãnh đạo muốn cổ đông thông qua một nội dung quan trọng là định hướng phát triển chiến lược giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm cho phép CII bố trí ngân sách để đẩy mạnh việc nghiên cứu các dự án BOT và các dự án hạ tầng giao thông khác; bố trí ngân sách để nghiên cứu đầu tư vào các hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.

Nếu được phê chuẩn, ban điều hành sẽ nghiên cứu sâu hơn để triển khai, do thời gian nghiên cứu rất dài (18 tháng - 2 năm). Nội dung nghiên cứu cũng rộng gồm đếm xe (thời gian 12 tháng), chi tiết làm hầm chui, cầu vượt, hệ thống thu phí tự động… để dự toán chi phí.

CII dự kiến triển khai công tác nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng. Các dự án đang nghiên cứu tập trung ở khu vực cửa ngõ phía Bắc và phía Tây Nam TP HCM. Trong đó, dự án lớn nhất mà doanh nghiệp này muốn triển khai là Cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.

Đối với hoạt động mở rộng đầu tư sang lĩnh vực mới, CII dự kiến sẽ mở rộng sang lĩnh vực hạ tầng y tế (bất động sản y tế chứ không phải lĩnh vực y tế). Công ty đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi tại TP HCM, bao gồm khối nhà nước và tư nhân, để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế đặt tại các khu vực cửa ngõ kết nối TP HCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến cao tốc để bệnh nhân ngoại tỉnh có thể thuận tiện di chuyển, đồng thời giảm tải cho những khu vực khám nội thành.

Ban lãnh đạo CII trả lời một số thắc mắc của cổ đông. (Ảnh: X.N).

Dù tổ chức bất thành, ban lãnh đạo vẫn cập nhật một số thông tin về tình hình hoạt động, kế hoạch kinh doanh và giải đáp một số thắc mắc cổ đông quan tâm.

Theo ước tính của ban điều hành, doanh thu năm nay sẽ giảm đáng kể, con số thực hiện sẽ thấp hơn kế hoạch. Nguyên nhân là lộ trình tăng giá cước thu phí dự án BOT bị trì hoãn, qua 5 năm các dự án BOT của công ty chưa thể tăng giá cước. Bộ Giao thông Vận tải có dự định năm nay tăng giá nhưng kinh tế khó khăn khiến chưa triển khai được.

Đồng thời đó, mảng bất động sản vẫn đóng băng. Chính phủ thành lập tổ gỡ vướng dự án bất động sản, thủ tục nhanh hơn nhưng vẫn chưa thông suốt. Ban lãnh đạo kỳ vọng qua tháng 9 hay tháng 10 thủ tục pháp lý sẽ thông suốt hơn. Theo ông Lê Quốc Bình, dự án bất động sản của công ty thuộc phân khúc vừa túi tiền nên nếu tung ra thị trường ở thời điểm hiện tại sẽ tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, công ty không tung ra bán do pháp lý chưa hoàn thiện.

Vị lãnh đạo nhận định “cơm chưa ăn thì gạo còn đó”. Các dự án BOT của CII đều được Chính phủ đảm bảo tỷ suất sinh lời nên việc chưa tăng giá cước hiện tại không ảnh hưởng đến giá trị thu hồi vốn sau này.

Liên quan đến việc triển khai chia cổ tức 14% cổ phiếu và tiền mặt 15% đã đượcthông qua tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 (diễn ra vào tháng 6). Ban lãnh đạo cho biết thời điểm chia cổ tức sẽ được triển khai sau khi hoàn tất phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Doanh nghiệp có kế hoạch phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu cho cổ đông hiện hữu, thời hạn 10 năm chia làm 2 đợt. Công ty triển khai trước đợt 1 trị giá 2.840 tỷ đồng. Ngay sau khi đại hội thường niên thành công, CII đã làm hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi và đang chờ giấy phép phát hành. Ban lãnh đạo kỳ vọng cuối tháng 9 này có giấy phép phát hành và tháng 11 có thể tiến hành.

Về khoản đầu tư vào cổ phiếu của Tasco (Mã: HUT), ban lãnh đạo cho biết sẵn sàng bán khi giá đạt kỳ vọng. Tasco được xem là ông lớn BOT và là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thu phí điện tử (ETC). Các năm gần đây, Tasco mở rộng ra lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản và nghỉ dưỡng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm