Chiều 18/9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với một số tập đoàn công nghệ Mỹ tại thung lũng Silicon (California) gồm Nvidia, Meta và Synopsys.
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng, Synopsys (công ty cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Đồng thời, Synopsys và Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Đây là đơn vị chủ trì đang tham mưu xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035.
Synopsys là một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn. Các sản phẩm bao gồm các công cụ tổng hợp logic và thiết kế vật lý của mạch tích hợp, trình mô phỏng để phát triển và môi trường gỡ lỗi hỗ trợ thiết kế logic cho chip và hệ thống máy tính. Năm 2022, Synopsys có 19.000 nhân viên và đạt doanh thu 5,08 tỷ USD.
Synopsys chính thức tham gia vào thị trường vi mạch Việt Nam qua việc mua lại một phần của eSilicon Corporation năm 2020. Việt Nam là một trong những điểm đầu tư chiến lược tại Châu Á - Thái Bình Dương của Synopsys. Synopsys Việt Nam đã mở rộng đến bốn văn phòng tại TP HCM và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư có năng lực.
Synopsys đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân tài thiết kế vi mạch tại Việt Nam với Khu Công nghệ cao TP HCM năm 2022, trong đó Synopsys tài trợ 30 giấy phép trị giá 20 triệu USD cho hoạt động này.
Lãnh đạo Synopsys khẳng định mong muốn mở rộng nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam và hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam.
Chúc mừng sự kiện này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chuyến thăm tới Synopsys nhằm góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó xác định hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá mới trong quan hệ song phương.
Thủ tướng cũng mong muốn Synopsys có các giải pháp công nghệ, quản lý và tài chính để đóng góp vào quá trình phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao nói chung và trong ngành chip bán dẫn nói riêng cho Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện và thu hút mạnh mẽ hơn đội ngũ lao động người Việt tại Mỹ vào làm việc tại Synopsys.
Thủ tướng cho rằng thỏa thuận đầy tiềm năng và hứa hẹn giữa Synopsys và các cơ quan là bước khởi đầu cho những chương trình, kế hoạch hợp tác sâu rộng, toàn diện, có sức lan tỏa lớn hơn nữa.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành của Việt Nam theo sát và kịp thời hỗ trợ để hai bên sớm hiện thực hóa các nội dung của biên bản này, giúp quan hệ hợp tác giữa Synopsys và phía Việt Nam thành công, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, đóng góp cho nền kinh tế của Việt Nam và quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ.