Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, các hãng kiểm toán được coi là Big4 đã hình thành từ khi ngành kiểm toán còn sơ khai. Hiện tại, 4 hãng kiểm toán lớn này đều có mặt ở Việt Nam và thực hiện kiểm toán nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn.
Vốn có ấn tượng với sự "sang chảnh" của các công ty kiểm toán lớn nên nhiều người có thể sẽ khá ngạc nhiên khi biết lợi nhuận của các công ty này.
Chẳng hạn, báo cáo minh bạch của KPMG Việt Nam thể hiện, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của công ty chỉ có 2,1 tỷ đồng với tỷ suất ROS (lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần) chưa đầy 1%.
Trên thực tế, 2 đơn vị còn lại là Deloitte Việt Nam và EY Việt Nam cũng có tỷ suất sinh lời trên doanh thu không cao, lần lượt chỉ 4% và hơn 1%.
Tổng hợp từ báo cáo minh bạch của các doanh nghiệp
Có một sự thật rằng, công ty kiểm toán không chỉ thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán báo cáo tài chính, mà còn thực hiện các hoạt động khác như tư vấn (thuế, thương vụ, quản trị,..). Đối với PwC, doanh thu mảng dịch vụ khác chiếm đến gần 95% doanh thu trong năm tài chính 2021.
Nguồn: Dịch vụ của PwC - Website công ty
Mảng dịch vụ khác đem đến doanh thu và lợi nhuận không nhỏ cho công ty kiểm toán. Cơ cấu doanh thu của PwC Việt Nam là một minh chứng điển hình.
Dịch vụ kiểm toán BCTC của đơn vị có lợi ích công chúng chỉ mang lại cho ông lớn này doanh thu 48 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 5% tổng doanh thu. PwC thậm chí còn chẳng có doanh thu từ kiểm toán BCTC của đơn vị không có lợi ích công chúng như 3 đơn vị còn lại.
Bất chấp điều đó, PwC Việt Nam vẫn cho thấy hiệu quả nổi trội với mức doanh thu và lợi nhuận đều dẫn đầu, hiệu suất sinh lời trên doanh thu lên tới 15%.
Nguồn: BC minh bạch của các công ty. Lưu ý năm tài chính 2021 của các doanh nghiệp khác nhau.
Có thể thấy, mặc dù dẫn đầu về doanh thu kiểm toán, cao hơn hẳn Deloitte Việt Nam và KPMG Việt Nam nhưng lợi nhuận năm 2021 của EY Việt Nam chỉ đạt 12 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức 173 tỷ đồng của PwC Việt Nam và 47 tỷ đồng của Deloitte.
Đây lại là mức lợi nhuận cao nhất trong các năm EY Việt Nam công bố.
Về mặt chi phí, nếu lấy 100 đồng doanh thu ra chia lại lương thưởng cho nhân viên thì bình quân PwC sẽ chi mất khoảng 56 đồng, EY 49 đồng, Deloitte chi 60 đồng và KPMG chi hơn 69 đồng.
Khi xem xét trên hiệu suất lao động (ở đây chỉ tính đến kiểm toán viên), nếu lấy doanh thu chia cho số lượng kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề thì trung bình 1 kiểm toán viên ở PwC Việt Nam tạo ra doanh thu cho công ty nhiều hơn so với đồng nghiệp ở các công ty khác.
Nhưng điều này không có nghĩa là PwC Việt Nam đông kiểm toán viên nhất. Vị trí này thuộc về Deloitte Việt Nam với 90 người có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.