Đừng để những quan niệm rập khuôn kìm hãm bước chân bạn. Tìm cho mình một công việc tốt hơn không bao giờ là quá muộn.
1. 35-45 là quãng thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp
"Em muốn nghỉ việc, nhưng rất nhiều người nói rằng sau 35 tuổi thì phải cực kỳ thận trọng khi muốn nhảy việc, vì hầu hết các nhà tuyển dụng đều không thích ứng viên trên 35 tuổi", C. nói xong thì thở dài.
Vậy là tôi bảo: "Thế đừng nghĩ đến chuyện nghỉ nữa, làm tiếp đi".
C. nghe thế còn thở dài hơn: "Nhưng em thực sự không làm nổi nữa, càng ngày càng chán việc".
Nhìn C., tôi nhớ lại chính mình lúc trước. Tôi cũng từng tự dọa mình như thế, chần chừ mãi không dám nhảy việc sau tuổi 35. Nhưng cuối cùng, từ năm 35 tuổi đến nay, tôi đã nhảy việc tổng cộng 3 lần, trong đó lần thứ ba là trở lại công ty cũ. Từ kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy rằng độ tuổi từ 35 đến 45 vừa hay là thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp.
Ở độ tuổi này, người lao động vẫn còn động lực và nhiệt huyết để hướng tới tương lai, tích lũy được nhiều tri thức và kinh nghiệm, cũng đã có cho mình một số mối quan hệ nhất định, họ cũng chững chạc và bình tĩnh hơn, như trái chín cây vậy. Vì thế đây đây là thời điểm rất đẹp để phát triển sự nghiệp.
Vấn đề là bạn phải để người phỏng vấn nhận ra những điểm mạnh của bạn.
2. Cứ tự tin khi tìm việc mới
Không phải ai cũng được các công ty tìm kiếm nhân sự ưu tú để mắt đến hay được người quen giới thiệu việc làm cho. Nhưng không sao cả, bạn vẫn có những điểm sáng của riêng bạn, hãy cứ tìm việc, nộp CV bình thường, đến phỏng vấn và cho phía tuyển dụng thấy bạn là người xứng đáng.
Khi tìm việc, hãy chú ý đến một vài chi tiết đơn giản nhưng hữu ích.
Ví dụ như đừng quên viết, nói về những thành tích của bạn trong quá khứ. Bạn phải tìm ra một số thành tựu từ những công việc trước, từ đó khiến cho hồ sơ của bạn trở nên sáng giá hơn.
Nếu các thành tích của bạn đi kèm với những con số rõ ràng, nhớ phải khéo léo khoe ra, việc này sẽ gây được ấn tượng.
Tuy vậy, hãy chú ý cách bạn liệt kê và đánh giá thành tựu của mình, không công ty nào muốn trả phí cho thâm niên của bạn khi mà chúng vô nghĩa với họ.
Bên cạnh đó, đừng nghĩ mình ít lợi thế và ngại ngùng, rụt rè khi tham gia phỏng vấn. Cứ thẳng thắn trao đổi về những gì bạn có thể, không thể làm, những gì bạn cần biết cũng như những gì bạn muốn.
Ứng viên biết rõ mình là ai và thẳng thắn trao đổi cũng là một điểm cộng.
Đồng thời, nhớ phải tìm hiểu kỹ về công việc mình đang ứng tuyển, tránh làm mất thời gian của cả hai bên. Bạn đã đủ khả năng để biết mình muốn gì và có thể làm gì, chọn công việc kỹ càng để ứng tuyển cũng giúp giảm tỷ lệ ứng tuyển thất bại, tránh làm ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.
3. Người lao động ngoài 35 tuổi vẫn rất có "giá"
Nếu phải phân vân về quyết định nhảy việc khi đã không còn trẻ, có lẽ bạn đã nghe rất nhiều lời khuyên về tốc độ đào thải của thị trường lao động. Những điều đó ít nhiều khiến bạn nhụt chí và sợ hãi.
Nhưng thực ra, 35 tuổi không hề là quá muộn. Hướng về một cuộc sống tốt hơn là bản năng của con người, còn khát khao nghĩa là còn có hy vọng tiến lên. Bạn có năng lực, có khả năng và muốn lao động thì kiểu gì cũng sẽ tìm được nơi thuộc về mình.
Kìm hãm bước chân của chính mình chỉ vì những định kiến đã cũ sẽ chỉ khiến bạn hối hận.
Mong tất cả mọi người đều sẽ tìm được công việc mình yêu thích, cũng như một công ty khiến bạn vui vẻ đi làm mỗi ngày.