Nhật Bản có tới hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang ở vùng nông thôn và đất nước này đang phải vật lộn để tìm người ở cho những ngôi nhà này. Do tình trạng dân số đang giảm, cùng với việc người mua nhà ở Nhật Bản chỉ thích mua nhà mới thay vì nhà đã qua sử dụng, những ngôi nhà cũ thường bị bỏ hoang khi chủ sở hữu qua đời, hoặc thế hệ sau không muốn thừa kế. Nếu cứ bị bỏ không, những ngôi nhà này có thể nhanh chóng xuống cấp.
Trong một nỗ lực hồi sinh các khu vực nông thôn và thu hút người mua, chính quyền nhiều địa phương đang phải trợ cấp cho việc cải tạo và chào bán những ngôi nhà này, với mức giá bán hoặc đấu giá khoảng 500USD - 25.000 USD (khoảng 11 triệu đồng tới gần 600 triệu đồng - giá tương đương 1 chiếc ô tô).
Những ngôi nhà này thậm chí còn được liệt kê trong những “ngân hàng” riêng, là các trang web do chính quyền địa phương điều hành, nằm trong chương trình do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) khởi xướng. Theo dữ liệu thống kê gần nhất vào năm 2018, Chính phủ Nhật Bản ước tính có gần 8,5 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang ở nước này. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, con số thực tế có thể nhiều hơn. Akiyabanks.com, một trang web thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật, có riêng một hạng mục chung về tất cả các “ngân hàng nhà bỏ hoang” được biết đến ở nước Nhật.
Những ưu đãi và mức giá thấp đã thu hút nhiều người dân thành thị Nhật Bản muốn thay đổi nhịp sống, đồng thời cũng ngày càng thu hút sự chú ý của người mua từ nước ngoài.
Jaya Thursfield và Chihiro-vợ anh, chuyển từ London đến Nhật Bản sau khi mua cả một trang trại bỏ hoang ở Ibaraki, một quận nằm cách Tokyo khoảng 1 giờ lái xe về phía Đông Bắc. Cặp đôi cho biết họ đã mua cơ ngơi này với giá khoảng 30.000 USD trong cuộc đấu giá vào năm 2019 và đã phải chi thêm tới 150.000 USD cho việc cải tạo lớn cũng như ghi lại quá trình biến nơi đây thành ngôi nhà mơ ước của họ trên YouTube.
Họ dọn dẹp đồ đạc của chủ cũ, bao gồm 2 ô tô, 1 máy kéo và các thiết bị nông nghiệp, làm lại tất cả hệ thống ống nước và hệ thống dây điện, lắp sàn mới trong nhà, đồng thời cải tạo hoàn toàn nhà bếp và phòng tắm.
Sẽ cần phải dọn dẹp và cải tạo đáng kể để một ngôi nhà bỏ hoang có thể ở được. Nhiều ngôi nhà cũ bị đánh giá là không chắc chắn về mặt cấu trúc, theo Luật Tiêu chuẩn Xây dựng ở Nhật Bản, được ban hành lần đầu tiên vào năm 1950 và đã được sửa đổi nhiều lần để cải thiện độ chắc chắn của các tòa nhà cũ.
Ngược với xu hướng chung, những ngôi nhà ở Nhật Bản có xu hướng giảm giá trị theo thời gian. Do nhiều người mua nhà ở Nhật Bản chỉ thích những ngôi nhà mới xây, một số ngôi nhà cũ đã bị phá hủy chỉ sau 20-30 năm tồn tại. Richard Koo, nhà kinh tế học đứng đầu tại Viện nghiên cứu Nomura của Nhật Bản, trước đây từng chia sẻ rằng ở Nhật Bản, một khi ngôi nhà đã hơn 10 hoặc 15 năm tuổi, giá trị của nó còn dưới con số 0, vì chi phí phá dỡ nhà cũng không hề rẻ.
Ông Koo cho biết: “Một mảnh đất trống không còn có giá trị cao hơn mảnh đất có sẵn một ngôi nhà cũ trên đó.”
Bethany Nakamura chuyển từ Mỹ đến Nhật Bản để dạy tiếng Anh vào năm 2021. Năm 2022, cô có cơ hội sống miễn phí trong một ngôi nhà bỏ không, chỉ phải trả tiền điện nước. Và mặc dù ngôi nhà vẫn trong tình trạng tốt, Nakamura đã chọn không mua nó.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng việc người nước ngoài nhảy ngay vào sở hữu nhà ở vùng nông thôn Nhật Bản là một điều không hay cho lắm. Chuyển từ Mỹ sang Nhật là một sự chuyển dịch văn hóa. Đây cũng là một thị trường bất động sản mới. Không ai chắc chắn rằng về lâu về dài điều này có phù hợp hay không. Và một khi bạn đã sở hữu một ngôi nhà, sẽ rất khó để bỏ nó.”
Chi phí thấp có thể tạo được sức hút cho những ngôi nhà này, nhưng Nakamura nói rằng điều này cũng không hẳn là một bước tiến tới tự do tài chính hoặc ổn định lâu dài đối với những người nước ngoài tới Nhật Bản. Bởi sự khác biệt về văn hóa sẽ khó để thích nghi.
“Có thể phải mất tới 2 hoặc 3 năm để những người mới đến thực sự hiểu rõ về cách họ tương tác trong cộng đồng, kỳ vọng của họ và cộng đồng sẽ phản ứng thế nào khi họ làm những điều mà cộng đồng không hiểu,” cô chia sẻ.
Hơn nữa, một số người lo ngại những căn nhà bỏ hoang có thể trở thành nơi ẩn náu của tội phạm hoặc có nguy cơ sụp đổ vì lâu ngày không được sửa chữa và môi trường xung quanh bị ô nhiễm do không có người dọn dẹp thường xuyên, ảnh hưởng đến dân cư quanh…