Thời sự

Tăng trưởng tín dụng thấp ở hầu hết lĩnh vực trừ xây dựng, làm sao để kích cầu?

Không thể trong tiếp cận vốn tín dụng là một trong 4 khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng tăng 4,73% so với đầu năm, tương đương với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn nhiều cùng kỳ của các năm còn lại trong giai đoạn 2018-2022.

Trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp tăng 4,66% so với cuối năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng tín dụng thấp ở hầu hết các lĩnh vực (trừ xây dựng)

 

 Bên cạnh đó, kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn bị thu hẹp (hết 7 tháng đầu năm, huy động từ thị trường cổ phiếu chỉ đạt khoảng 12.000 tỷ đồng, giảm gần 60%; từ thị trường TPDN ước đạt 61.000 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022).

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo đề xuất Chính phủ, Bộ, ngành, NHNN và doanh nghiệp cần ưu tiên thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp tác động cả tổng cung và tổng cầu. 

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Doanh Nhân Việt Nam).

Tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất nhưng không hạ chuẩn cho vay

Theo các chuyên gia, Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, nghị định và bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế cũng như có kịch bản ứng phó phù hợp. Cần rút ngắn độ trễ chính sách, để chính sách tác động nhanh hơn, hiệu quả hơn. 

Với chính sách tiền tệ, ngoài việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng, Nhóm tác giả cho rằng phải tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay; đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.

Tuy nhiên, các TCTD cũng phải linh hoạt hơn, không hạ chuẩn điều kiện tín dụng như là một giải pháp tăng khả năng tiếp cận.

(Ảnh: Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV).

Về chính sách tài khóa, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT; xem xét giảm tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV tại địa phương ...

Giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công sẽ đóng góp 2 điểm % GDP

Theo Nhóm tác giả, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần chú trọng các động lực tăng trưởng, bao gồm quyết tâm giải ngân Chương trình phục hồi 2022-2023 và đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa và quan tâm thúc đẩy các đầu tàu kinh tế như Hà Nội và TP HCM.

Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV kỳ vọng nếu giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư Nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023. 

Về tác động của kích cầu tiêu dùng nội địa, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV ước tính rằng nếu tiêu dùng thực tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng phải tiếp tục thực hiện phối hợp chính sách hiệu quả đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Thêm vào đó, cần đánh giá đúng thực trạng doanh nghiệp để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc.

Nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) có điều kiện thúc đẩy nền kinh tế, theo Nhóm tác giả, Quốc Hội, Chính phủ nên tiếp tục cho phép các Ngân hàng Thương mại (NHTM) có sở hữu Nhà nước giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Đồng thời, cần tạo điều kiện các TCTD dẫn dắt, tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, có điều kiện tăng tín dụng, triển khai các gói hỗ trợ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Để phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), có giải pháp thúc đẩy phát hành TPDN ra công chúng. Ngoài ra, nên xây dựng lộ trình để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ “cận biên” lên “mới nổi”.

Về giải pháp thứ 7, các chuyên gia kiến nghị nên đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách, đặc biệt tập trung vào phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp và tổ chức tài chính cần ưu tiên thực hiện 4 giải pháp: tái cơ cấu, giải chi phí; đa dạng hóa nguồn vốn, kiểm soát rủi ro; có tầm nhìn xa; các tổ chức tài chính chủ động thực hiện Thông tư 02 và 06.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm