Ông “vua mèo” - GS Nguyễn Văn Thanh, Khoa Thú Y, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh NVCC
Lao đao vì nạn “giặc chuột”
Thời điểm đầu những năm 2000, nhiều vùng trên cả nước lao đao, khốn khổ vì nạn “giặc chuột”. Chuột nhiều vô kể, oanh tạc khắp trong xóm đến ngoài đồng. Chúng cắn tả tơi hoa màu, thóc lúa, gặm vỡ chân tủ, thậm chí làm ổ, đẻ con cả trong bồ thóc…
Lũ chuột còn liều lĩnh đến mức gặm cả chân người. Chúng vô tư chạy nhảy, leo trèo trong nhà, trước mặt người như thể thế giới này là của riêng chúng.
Người dân tìm đủ mọi cách để diệt chuột. Bả chuột được sử dụng như “vũ khí hủy diệt”. Bả có thể diệt được rất nhiều chuột nhưng lại là con dao 2 lưỡi, chúng khiến các loài vật khác như chó, mèo, gà, chim, rắn… chết theo khi dính bả hoặc ăn phải chuột dính bả.
Bẫy bán nguyệt an toàn hơn nhưng phương pháp này tốn công và kết quả thu được chẳng nhằm nhò gì so với sự phát triển nhanh khủng khiếp của lũ chuột.
Nhiều gia đình vì quá bức xúc với sự phá phách của lũ chuột đã sử dụng cả bẫy điện. Thế nhưng đây cũng là cái bẫy đối với chính loài người và thú nuôi khác. Không ít vụ tai nạn thương tâm cho con người khi vô tình dính bẫy điện dẫn đến tử vong.
Ở một số làng quê, người ta lập hẳn ra những “đội xung kích bắt chuột”, được trả lương bằng thóc hẳn hoi. Các thanh niên, trai tráng tập hợp thành từng đội đi săn chuột. Họ đào khoét các bờ ruộng, kênh mương để bắt chuột, nhưng chẳng hiểu sao chuột càng ngày càng đông hơn.
Theo GS Nguyễn Văn Thanh – Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), nghiên cứu thời bấy giờ cho thấy, một con chuột đồng lớn trong vòng đời 1 năm có thể sinh tới 80 chuột con, cứ 2 tháng lại có một thế hệ chuột tham gia sinh sản làm tỉ lệ gia tăng tự nhiên của chúng theo cấp số nhân. Một năm, mỗi đôi chuột có thể nhân lên trung bình 2.160 con và nếu một cánh đồng có 1.000 con chuột thì mỗi ngày sẽ nhân lên khoảng 6.000 con.
Nếu một chiến dịch tiêu diệt được 90% số chuột thì.... chớ vội mừng vì sau 50 ngày số chuột sinh ra sẽ bằng 50% ban đầu, sau 75 ngày sẽ tăng gấp 4 lần ban đầu, các giải pháp mang tính phong trào sẽ không hiệu quả.
Phát triển “khắc tinh” của loài chuột
Khi lũ chuột thực sự đã trở thành vấn nạn, người ta tìm mọi cách để diệt chuột nhưng chỉ mang giải pháp tình thế. Lúc này, người dân đã bắt đầu ý thức được sự cần thiết của loài mèo.
Nhiều em nhỏ thời bấy giờ đã coi mèo như thú cưng trong nhà. Ảnh NVCC
Ai cũng biết loài mèo có khả năng bắt chuột siêu đỉnh. Chúng được coi như “khắc tinh” của lũ chuột. Thế nhưng, để một nhà nuôi mèo thì dễ, còn nhà nhà nuôi mèo, người người nuôi mèo lại là chuyện không phải đơn giản.
Năm 2002, ở xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ (Hà Tây nay là Hà Nội) có một dự án phát triển nông thôn do một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội thực hiện. Trong quá trình tìm hiểu, mọi người lo lắng với tình hình “giặc chuột” thì không thể phát triển được nông nghiệp. Họ tìm đến GS Nguyễn Văn Thanh để bàn giải pháp.
GS Thanh khi ấy được mọi người đặt cho biệt danh “vua mèo”, bởi ông có tình yêu đặc biệt với mèo. Người đàn ông ấy có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để quan sát cử chỉ của mèo; ông cũng có thể thức xuyên đêm để xem mèo động dục hay cứu chữa những con mèo bị bỏ rơi. Nhiều tài liệu nghiên cứu về kỹ thuật nuôi dưỡng, trị bệnh cho mèo được ông xuất bản…
Sau khi đi khảo sát tại xã Thanh Bình, ông Thanh nhận định rằng, chuột ở đây rất nhiều. Người dân đã áp dụng đủ các loại bẫy, bả đều không khả thi nên chỉ có cách phát triển đàn mèo để khắc chế lũ chuột.
Đích thân ông cùng các cộng sự của mình đi gom nhặt khắp nơi được khoảng 100 con mèo đến trao tặng cho người dân. Cùng với đó, ông hướng dẫn người dân cách phát triển đàn mèo, cam kết người dân không thịt mèo, không thiến mèo đực...
Sau 3 năm, từ số lượng mèo vài trăm con, đàn mèo ở xã Thanh Bình đã lên đến cả ngàn con. Nạn “giặc chuột” được đẩy lùi. Ước tính thiệt hại hoa màu do chuột phá phách ở xã Thanh Bình giảm từ khoảng 20-30% tổng sản lượng xuống chỉ còn 1-2%.
Thi hoa hậu mèo để cổ động người dân nuôi mèo
Người dân xã Thanh Bình mang mèo đến UBND xã tham dự cuộc thi hoa hậu mèo. Ảnh NVCC
Để hưởng ứng và cổ vũ phong trào nuôi mèo, năm 2005, tại xã Thanh Bình đã tổ chức cuộc thi hoa hậu mèo. Đây cũng chính là cuộc thi hoa hậu mèo đầu tiên ở Việt Nam. Ông Thanh chính là người khởi xướng cuộc thi này và cũng chính ông chủ trì, đồng thời làm ban giám khảo chính của cuộc thi.
Ông bảo, gọi là cuộc thi nhưng nó được tổ chức đơn giản, mộc mạc. Người dân hay tò mò và háo hức trước những điều lạ lẫm nên thường tập trung đông. Và đây chính là cơ hội để ông phổ biến kiến thức, truyền đạt những thông điệp về lợi ích của loài mèo mang lại.
Trước cuộc thi hoa hậu mèo mấy ngày, loa truyền thanh của xã Thanh Bình ra rả suốt ngày quy chế cuộc thi.
Sẽ có 3 danh hiệu dành cho hoa hậu mèo gồm: Giải Sumo vô địch, dành cho chàng hoặc nàng mèo to nhất, khỏe nhất, béo nhất; Giải nàng Anna xinh đẹp với tiêu chí lông mượt, mặt đẹp, thân hình cân đối, đi lại uyển chuyển, dễ thương; Giải chị Mướp nhiều con, dành cho nàng mèo đẻ nhiều, đẻ khỏe.
Cuộc thi hoa hậu mèo đầu tiên được tổ chức tại xã Thanh Bình được đông đảo người dân quan tâm và hưởng ứng. Ảnh NVCC
Đúng ngày diễn ra cuộc thi, hơn 200 "thí sinh" mèo tập trung ở hội trường Ủy ban nhân dân xã. Giải thưởng cho mèo thắng cuộc là một món tiền, hiện vật, bằng khen, vòng đeo cổ.
Bà con nông dân, già trẻ trai gái vỗ tay ào ào hưởng ứng cuộc thi mèo độc nhất vô nhị. Các chú mèo lần đầu tiên đứng trước đám đông, cứ mắt tròn mắt dẹt ngơ ngác. Nhiều con chân run lẩy bẩy, có con cứ “meo meo” tỏ ý đòi về.
Sau các vòng thi cam go, quyết liệt, ông Thanh cùng các cộng sự của mình đã chọn ra 3 "thí sinh" mèo đoạt giải. Hoa hậu mèo, nam vương mèo cứ ngơ ngác khi nhận “vương miện”, chỉ có chủ chúng là vui, vì vừa được tiền, lại mát mặt với xóm làng vì tài nghệ nuôi mèo.