Thời sự

Chuyên gia Yuanta: NHNN sẽ chờ sau cuộc họp tháng 9 của Fed mới quyết định hạ lãi suất, chi phí vốn của các ngân hàng chưa giảm ngay

Tại tọa đàm “Sóng chứng khoán 2023. V hay W?” do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức ngày 19/8, ông Trần Văn Tánh, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nói về xu hướng lãi suất của Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện thị trường có luồng ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, tuy nhiên cũng có một số lo ngại về vấn đề tỷ giá sẽ khiến nhà điều hành trì hoãn hạ lãi suất.

Theo dự báo của ông Tánh, kịch bản giảm tiếp lãi suất nhiều khả năng xảy ra hơn, nhưng NHNN sẽ chờ sau cuộc họp tháng 9 tới đây của Fed mới đưa ra quyết định.

“Sau cuộc họp của Fed, nhà điều hành sẽ chắc chắn hơn về định hướng của Fed, từ đó có các quyết định hợp lý liên quan đến lãi suất”, ông nói.

Ông Trần Văn Tánh, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam. (Ảnh: Linkedin).

Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng vẫn còn dư địa giảm lãi suất khi lạm phát 7 tháng đầu năm chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu của Chính phủ.

Yếu tố hỗ trợ tiếp theo là dự trữ ngoại hối ở mức cao và có xu hướng tăng từ đầu năm. Dự trữ ngoại hối vào cuối năm dự báo vẫn ở mức an toàn, tạo điều kiện cho NHNN giảm tiếp lãi suất điều hành khi xuất khẩu phục hồi nhẹ, lượng FDI và kiều hối ổn định.

Nói thêm về tác động của việc giảm lãi suất đến triển vọng ngành ngân hàng, ông Trần Văn Tánh cho hay về mặt lý thuyết, lãi suất giảm, chi phí vốn của ngân hàng sẽ giảm theo, tuy nhiên sẽ có độ trễ.

“Thực tế là phí vốn của các ngân hàng trong quý II/2023 vẫn tăng so với đầu năm 2022, do lượng tiền gửi trong quý IV/2022 tăng đột biến. Thời điểm đó lãi suất vẫn cao, kênh gửi tiền tiết kiệm, đặc biệt kỳ hạn dài hấp dẫn hơn so với đầu tư chứng khoán, bất động sản”, ông nói.  

Theo ông, kịch bản của năm 2020 sẽ lặp lại, khi đó NHNN giảm lãi suất điều hành, chi phí vốn của ngân hàng thực sự chỉ giảm sau đó một năm.

“NHNN có 4 đợt giảm lãi suất từ đầu năm 2023, chi phí vốn sẽ dự báo sang năm 2024 mới có thể giảm theo. Khi chi phí vốn giảm, nhà điều hành có thêm dư địa hạ lãi suất, đồng thời giảm áp lực cho người đi vay, nợ xấu cũng có xu hướng giảm. Chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng đỡ áp lực hơn và tác động tích cực hơn đến lợi nhuận ngành ngân hàng”, ông nói.  

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm