Doanh nghiệp

Bầu Đức: "Trồng sầu riêng một vốn 5 lời"

Đi thăm vườn sầu riêng đang cho thu hoạch những ngày giữa tháng 8, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG), cho biết đây là nơi giúp ông thư giãn mỗi khi căng thẳng.

"Xuống thăm sầu riêng, tôi sướng hơn cả đi đánh golf", bầu Đức bộc bạch.

Bầu Đức tự lái xe dẫn mọi người tham quan vườn sầu riêng ở Gia Lai. Ảnh: Thi Hà

Bầu Đức tự lái xe dẫn mọi người tham quan vườn sầu riêng ở Gia Lai. Ảnh: Thi Hà

Trồng sầu riêng từ năm 2018, ông Đức không chia sẻ thông tin với ai vì sau những thăng trầm cuộc đời, ông không muốn nói trước bất cứ điều gì và chỉ công bố khi đã có thành quả.

Sở hữu 1.200 ha sầu riêng bao gồm Musang King và Mong Thong Thái tại Việt Nam và Lào, bầu Đức là chủ doanh nghiệp có vườn sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á. Trong đó, diện tích sầu riêng tại Lào chiếm 80%. Năm nay, công ty có 40 ha sầu riêng Mong Thong cho trái năm thứ hai với sản lượng 500 tấn.

"Tôi đang bán giá xô cả vườn với giá 77.000 đồng một kg, 40 ha này mang về khoảng 35 tỷ đồng trong năm nay", ông Đức cho hay.

Dù khoản thu không lớn so với quy mô, ông Đức cho biết tỷ suất sinh lợi từ sầu riêng rất hấp dẫn. Ông dẫn chứng, trong 21 ha cho trái năm thứ 2, công ty hoạch toán chi phí 3,6 tỷ đồng một năm, trong đó, khoản thu từ bán sầu riêng 18 tỷ đồng cho vụ mùa năm nay. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của 21 ha này đạt 14,4 tỷ đồng. Như vậy, một đồng vốn ông bỏ ra thu về 5 đồng lời. "Nói không ai tin nhưng đây là thực tế được ghi nhận trong sổ sách kế toán của công ty ", ông Đức nhấn mạnh.

Bầu Đức quan sát công nhân đang kiểm tra sầu riêng tại vườn ở Gia Lai. Ảnh: Thi Hà

Bầu Đức quan sát công nhân đang kiểm tra sầu riêng tại vườn ở Gia Lai. Ảnh: Thi Hà

Là người sở hữu 40 ha sầu riêng tại Tây Nguyên, ông Cường ở Gia Lai đánh giá - mức lợi nhuận từ các vườn sầu riêng của bầu Đức mang lại trong năm nay như vậy còn khiêm tốn. Lý do, sầu riêng vườn ông Đức mới chỉ thu hoạch năm thứ 2 nên sản lượng thấp. Bước sang vụ thụ hoạch từ năm thứ 4 trở đi, mỗi ha sầu riêng có thể cho sản lượng 20-35 tấn. Lúc đó, mức sinh lời từ sầu riêng sẽ còn cao hơn.

"40 ha sầu riêng của tôi năm nay đang có sản lượng lên tới gần 40 tấn một ha. Với mức giá bán 70.000 đồng một kg, tôi thu về hơn 100 tỷ đồng", ông Cường nói.

Kỳ vọng sầu riêng sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai đứng vững như "kiềng ba chân", ông Đức cho biết công ty đang tập trung cho loại quả này, bên cạnh hoạt động trồng chuối, nuôi heo.

Năm 2024, sầu riêng sẽ là trái cây đóng góp lớn cho doanh thu của công ty khi 50% diện tích sẽ cho trái. Đặc biệt, Musang King được trồng tại Lào kỳ vọng năng suất cao và xuất khẩu thuận lợi sang Trung Quốc. Với giá vốn 14.000-20.000 đồng, mỗi kg sầu riêng bán ra thị trường 30.000 đồng đã có lời.

Trước lo ngại về khả năng sầu riêng "được mùa mất giá" hoặc bị cạnh tranh với Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, bầu Đức cho rằng nhu cầu thị trường đang rất lớn. Hiện, nguồn cung sầu riêng của các nước Đông Nam Á cho thị trường Trung Quốc mới đáp ứng được 10% dân số nước này.

Trong khi đó, vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) chỉ đạt 50 tấn, chiếm 2% so với ước tính của họ trước đó. Với sầu riêng Thái và Philippines, một năm chỉ có một vụ vào tháng 6 nên sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai dường như không có đối thủ. Bởi theo ông, sầu riêng của công ty đa phần trồng tại Lào, trên độ cao gần 1.000 m, tháng 10-11 sầu riêng mới vào mùa thu hoạch, lúc đó ông "một mình một chợ".

Vườn sầu riêng của Công ty Bầu Đức mỗi cây đang cho thu hoạch 40-70kg. Ảnh: Thi Hà

Vườn sầu riêng của Công ty Bầu Đức mỗi cây đang cho thu hoạch 40-70kg. Ảnh: Thi Hà

Với 3 trụ cột chính là sầu riêng, chuối và heo, bầu Đức kỳ vọng 2024, Hoàng Anh Gia Lai có thể tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đến ngày 30/6, công ty này có tổng diện tích chuối đạt 7.000 ha. Để tăng năng suất, ông đưa ra chính sách mỗi kg chuối vượt sản lượng sẽ được thưởng 1.200 đồng. Nhờ vậy, doanh thu chuối xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 6 tháng, công ty của bầu Đức ghi nhận doanh thu 3.147 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 638 tỷ, lần lượt tăng 54% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận chăn nuôi heo khoảng 97 tỷ đồng, cây ăn trái là 485 tỷ đồng và 56 tỷ từ ngành phụ trợ.

Đi một vòng khu trồng chuối nuôi heo tập trung, bầu Đức cho biết từng tán lá chuối, sầu riêng được tưới chất dinh dưỡng tận dụng từ nguồn nước thải của nuôi heo, đã qua xử lý. Ông nói, những vườn chuối này đang cho năng suất vượt 20% so với cùng kỳ năm ngoái mà không dùng bất cứ loại phân bón hóa học nào.

Bầu Đức cho hay, để có mô hình nông nghiệp tuần hoàn này, chuyên gia Trần Văn Dai - Giám đốc Chương trình chăn nuôi của Hoàng Anh Gia Lai - đã nghiên cứu nửa năm nay.

Ông Dai đã cùng các chuyên gia của Trường Đại học Nông Lâm tạo ra những công nghệ sinh học thuỷ phân để xử lý phụ phẩm góp phần giải quyết bài toán về chi phí xử lý chất thải và tạo môi trường thân thiện với thiên nhiên.

Ông Dai cho biết mô hình này giúp cho công ty không bỏ phí phụ phẩm mà còn tạo ra giá trị cao khi tái sử dụng lại cho môi trường. Nó là vòng tuần hoàn khép kín. Trước đây, chuối thải của công ty phải tốn tiền tỷ để xử lý khi đổ bỏ, nay được dùng làm bột cho heo ăn. Nước thải của heo phải tốn nhiều công xử lý nhưng chưa đạt độ tuyệt đối, nay chúng được tận dụng tối đa sau khi xử lý. Trong đó, nước qua xử lý được tưới cho cây, còn phân được ủ để tạo dinh dưỡng cho đất giúp cây sinh trưởng tự nhiên và năng suất, không làm ô nhiễm môi trường.

"Với mô hình nông nghiệp tuần hoàn, Hoàng Anh Gia Lai đang biến phụ phẩm của ngành này trở thành nguyên liệu chính cho ngành khác", ông Dai nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm