Bàn về giải pháp đột phá để TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước lấy lại đà phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những giải pháp mới là thu hút đầu tư nước ngoài. Thành phố hiện đang có hàng loạt dự án mới như Cảng trung chuyển Cần Giờ gắn với trung tâm phi thuế quan hay TP HCM đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế,...
Các dự án này rất hấp dẫn song cần có một cơ chế thực sự đột phá để thu hút những tập đoàn lớn trên thế giới trong từng lĩnh vực.
TP HCM cần trở thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước
Theo Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, TP HCM phải ý thức nếu không thu hút được những nhà đầu tư quốc tế đủ tầm, những "đại bàng" trong từng lĩnh vực thì sẽ khó bứt phá.
Theo ông, nếu nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 sớm được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên TP HCM sẽ có quyền tự chủ rất lớn. Khi đó, nhiều vấn đề Thành phố sẽ có quyền tự quyết và phải làm sao để thu hút được những đại bàng lớn trên thế giới về đầu tư thì mới có thể tạo động lực cho thành phố phát triển.
PGS-TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng cần thu hút "đại bàng" về Việt Nam hay cụ thể là TP HCM.
"TP HCM gánh trên vai sứ mệnh đầu tàu cả nước, đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì kéo cả đoàn tàu đi lên. Dù đóng vai trò đầu tàu nhưng suốt 15-20 năm, TP HCM chưa có được những sự thay đổi căn bản. Nhiều đề xuất của Thành phố rất hay nhưng ít được áp dụng, như là mô hình chính quyền đô thị", ông Thiên cho hay.
Đặc biệt là về thể chế, TP HCM muốn đột phá là phải có những dự án đột phá cùng với đột phá về thể chế. Theo ông, những trung tâm lớn luôn có tính mở, tính hội nhập, như Singapore, Thượng Hải tự biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế…
"TP HCM muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước. Việc này cần đặt ra với tinh thần là sứ mệnh quốc gia, dự án quốc gia", ông nói.
TS. Trần Đình Thiên cũng đánh giá, kinh tế TP HCM suy yếu về vị thế dù nội lực vẫn dồi dào; những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng lên (giao thông, ngập nước, tắc nghẽn hạ tầng…), những động lực mới không được đưa ra.
Do đó, phải tạo ra những đột phá, động lực mới cho TP HCM, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP HCM ngay từ bây giờ.
Muốn tìm "đại bàng", phải có cơ chế đột phá
Câu chuyện thu hút "đại bàng về làm tổ" đã được nhắc đến nhiều năm, tuy nhiên để có thể thu hút dòng vốn đầu tư mới từ các tập đoàn hàng đầu thế giới thì cần có những cơ chế đột phá.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, bối cảnh hiện nay đang rất khó khăn những "đại bàng" quốc tế đang giảm xuống, nguyên nhân chính là do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và họ đang cân nhắc, dè chừng và xem xét lại để xem các phản ứng chính sách của từng quốc gia hay các địa phương.
Ông Sử thông tin, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương án để giữ chân các nhà đầu tư cũ, thu hút các nhà đầu tư mới và đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.
Còn theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), tình hình chung của đầu tư ra nước ngoài đang ngày càng khó khăn do các quốc gia đầu tư lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chính sách hạn chế đầu tư ra nước ngoài.
Gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc chuyển dịch về trong nước. Chính phủ Nhật Bản cũng dành tới 2 tỷ USD khuyến khích các doanh nghiệp của họ chuyển về nước.
Do đó, nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển đầu tư FDI, đặc biệt là chiến lược đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp toàn cầu đã và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam thì sẽ rất khó thu hút được "đại bàng về làm tổ".
Đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, bao giờ các nhà đầu tư cũng điều chỉnh chiến lược. Nếu chúng ta không tìm hiểu thông tin về họ, không chịu thay đổi thì khó có thể thực hiện được các định hướng thu hút FDI của Chính phủ.
Để thu hút được những doanh nghiệp mang tầm quốc tế, Chính phủ đã có chính sách trong ưu đãi đầu tư ngoài thuế và trợ cấp trực tiếp. Bên cạnh đó, sẽ có thêm những ưu đãi cho các doanh nghiệp có liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và cả những doanh nghiệp Việt liên kết được với doanh nghiệp FDI cũng sẽ được hưởng ưu đãi tương đương họ.
Đây là những chính sách rất mới, rất hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp lớn quốc tế vào đầu tư và đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp Việt Nam.
Với TP HCM, cần có những chính sách đột phá để thu hút được những nhà đầu tư quốc tế đủ tầm, trong từng lĩnh vực.
Theo TS. Trần Du Lịch, để TP HCM thu hút được những "đại bàng" trong từng lĩnh vực thì trong Nghị quyết thay Nghị quyết 54 có đề cập nội dung sẽ thu hút những doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở từng lĩnh vực tham gia, trong đó có Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
"Chúng tôi đang ngồi lại với nhóm nghiên cứu, đang nghe trình bày gắn với dự án này sẽ là một trung tâm phi thuế quan gắn với cảng, chắc chắn có cơ chế chính sách, có trung tâm phi thuế quan gắn với cảng để tạo sức bật. Phía sau đó, cần có sự đầu tư của các tập đoàn tài chính, thương mại chứ không chỉ là cảng hàng hoá", TS. Lịch cho hay.
TS. Trần Đình Thiên cũng đánh giá những dự án đột phá như: Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm thương mại sẽ kéo các nhà đầu tư quốc tế về đây. Các yếu tố này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, TP HCM sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn.
Bên cạnh đó, ông Thiên cũng đề xuất TP HCM (Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai – Bình Dương – TP HCM) thành cụm đi đầu về mặt thể chế, trung tâm thử nghiệm thể chế cho cả nước. Có như vậy rủi ro sẽ giảm đi và cộng hưởng sức mạnh của vùng tăng lên, khả năng bứt phá cao hơn rất nhiều.