Từ 18/5, Apple Store trực tuyến bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Người dùng trong nước có thể mua hàng trực tuyến, thanh toán qua thẻ ATM hoặc ví điện tử và nhận sản phẩm tại nhà. Ngoài khác biệt về chính sách hậu mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng, mức giá trên cửa hàng trực tuyến cũng có nhiều chênh lệch so với các hệ thống bán lẻ trong nước.
Cụ thể iPhone 14 bản tiêu chuẩn trên Apple Store trực tuyến có giá 22,5 triệu đồng. Trong khi đó, FPT Shop bán với giá 19,3 triệu đồng, thấp hơn 3,2 triệu đồng, còn tại một số AAR khác như Di Động Việt thậm chí rẻ hơn 4 triệu đồng. Với bản 14 Pro Max, mức chênh lệch cũng lên đến 4,7 triệu đồng.
Không chỉ iPhone, giá của hầu hết sản phẩm khác trên cửa hàng trực tuyến của Apple cũng cao hơn so với các hệ thống phân phối chính hãng tại Việt Nam. Ví dụ, mẫu AirPods Pro 2 trên Apple Store có giá 6,1 triệu đồng, trong khi Thế giới Di động và CellphoneS đang bán là 5,9 triệu đồng.
MacBook Air M1 là một trong những thiết bị chênh giá nhất. Trên cửa hàng trực tuyến, máy có giá từ 24,9 triệu đồng, trong khi các AAR đang rao ở mức 17,9 triệu đồng.
Theo đại diện Hoàng Hà Mobile, dù đắt hơn khoảng 15%, việc Apple niêm yết giá sẽ giúp người dùng có mốc chuẩn để so sánh và đưa ra lựa chọn phù hợp. Việc này cũng góp phần hạn chế tình trạng AAR nâng giá trần của các sản phẩm hút khách như iPhone trong giai đoạn đầu mở bán. Trong khi đó, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng Mai Nguyên, cho rằng sự chênh lệch kể trên còn do cuộc đua giá của các hệ thống bán lẻ Việt Nam.
Apple Store online ảnh hưởng gì đến AAR
Theo ông Nguyễn Thế Kha, đại diện hệ thống FPT Shop, trước mắt Apple Store chưa ảnh hưởng nhiều đến các hệ thống bán lẻ. "Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, cửa hàng online của Apple khó hấp dẫn về giá. Người dùng cũng không có điểm trải nghiệm thực tế, điểm giao nhận hàng", ông Kha nói.
Ông nhận định cửa hàng trực tuyến của Apple không đặt mục tiêu giành giật thị phần với hệ thống bán lẻ. Ngược lại, sự hiện diện của hãng giúp thiết lập mức giá trần để người dùng tham khảo.
Tuy nhiên, ông Mai Triều Nguyên lại cho rằng việc nói "Apple Store trực tuyến không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của AAR" là đánh giá chưa đầy đủ. Phần lớn lợi nhuận của các đại lý bán lẻ nằm ở thời gian đầu sản phẩm lên kệ, còn càng về sau giá càng giảm, lợi nhuận càng ít, thậm chí nhiều hệ thống chấp nhận bán lỗ để thu hồi dòng tiền.
Ông Nguyên lấy ví dụ khi iPhone 15 ra mắt vào tháng 9 tới, người dùng tại Việt Nam có thể lên Apple Store online để mua iPhone. "Với sản phẩm thu hút như iPhone, giá không phải điều người dùng bận tâm. Khi nhận được máy từ Apple Store, họ sẽ hủy suất đặt từ hệ thống bán lẻ. Ngay lập tức, các AAR sẽ cảm nhận được sức nặng của cửa hàng Apple trực tuyến", ông phân tích.
Theo ông, nhìn trong dài hạn, sự hiện diện của cửa hàng trực tuyến là tín hiệu cho thấy Apple sắp mở cửa hàng vật lý ở Việt Nam. Khi đó, người dùng không chỉ đến cửa hàng mua sắm mà còn đến để trải nghiệm dịch vụ, chế độ bảo hành, chăm sóc khách hàng - điều khó tìm thấy ở cửa hàng bán lẻ trong nước. Mô hình hoạt động của Apple trên khắp thế giới đã chứng minh dù giá tại Apple Store đắt hơn bên ngoài vài triệu đồng, người dùng vẫn sẵn sàng xếp hàng trải nghiệm. Khi đó, các hệ thống bán lẻ sẽ mất đi một lượng lớn khách hàng và chính sách cạnh tranh về giá cũng không còn hiệu quả.