PGS.TS Nguyễn Thị Bích Lan, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đánh giá, đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" áp dụng tốt thực tiễn khoa học. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú ở mức khá cao, chiếm khoảng 15% trên tổng số các căn bệnh ung thư thường gặp mỗi năm. Một trong những nguyên nhân của việc này là do mặc áo ngực quá chật hoặc quá rộng, áp lực từ áo dồn lên ngực lâu ngày ảnh hưởng đến lưu thông máu.
Nhiều người coi nhẹ việc lựa chọn áo ngực, vô tình tạo ra những tác động không tốt đến sức khoẻ. Do đó, nghiên cứu về áp lực của áo ngực không chỉ có ý nghĩa về thời trang may mặc mà cũng sẽ là căn cứ để các bác sĩ tư vấn tốt hơn khi điều trị, thăm khám bệnh nhân nữ. Bên cạnh đó, hầu hết các số liệu khảo sát liên quan tới ngực phụ nữ hiện nay đều trích từ các nghiên cứu nước ngoài, trong nước chưa có nhiều thống kê liên quan tới vấn đề này.
Thông tin luận án được đăng tải trên web Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân, GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales, Australia bày tỏ không quá ngạc nhiên vì ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS) cũng có những luận án với chủ đề tương tự. Trong đó, họ áp dụng nhiều phương pháp đo lường khá phức tạp, tinh vi nghiên cứu về áp lực và ảnh hưởng của áo ngực đến sức khoẻ, bệnh lý phụ nữ.
"Nói chung, ngực và áo ngực của người phụ nữ đã và đang là đề tài nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới", ông Tuấn cho hay.
Tuy nhiên ông không đồng ý với cách đặt tựa đề mà chỉ có phụ nữ miền Bắc Việt Nam, cách đặt tên này vi phạm hầu như tất cả các nguyên lý đặt tựa đề của một đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học. "Nhưng tôi thông cảm cho nghiên cứu sinh nên không quá quan tâm đến chuyện đó vì không hiểu từ đâu. Nghiên cứu sinh buộc phải đặt tựa đề luận án hay bài báo khoa học theo công thức "nghiên cứu + đối tượng + địa điểm + thời gian", giáo sư Tuấn nêu quan điểm.
Ông cho rằng, việc quan trọng của luận án là phải có cái mới, bảo đảm hợp lý nội tại, còn nghiên cứu trên cá nhân không quá quan trọng. Khhông thể phán xét nếu chưa đọc luận án của người ta.
Theo TS Lê Văn Út, Đại học Văn Lang, nghiên cứu về áo ngực xuất hiện nhiều trên thế giới, đây không phải là vấn đề mới lạ, mà là chủ đề thú vị, quan trọng và có ý nghĩa thiết thực vì liên quan đến thẩm mỹ và cả sức khỏe con người. Đây cũng là 2 chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của tất cả các giới, không chỉ riêng giới khoa học.
Chỉ cần truy suất từ Cơ sở dữ liệu thống kê khoa học Web of Science (Clarivate, Mỹ) với từ khóa “bra” (áo ngực) trong tiêu đề thì có thể tìm thấy 836 công trình ISI công bố các kết quả nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến áo ngực.
Ảnh chụp kết quả tìm kiếm trên Web of Science.
"Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các chủ đề nghiên cứu liên quan đến áo ngực và sức khoẻ cũng như thẩm mỹ của phái đẹp. Việc một nghiên cứu sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện luận án tiến sĩ về chủ đề áo ngực là bình thường và đó là công trình khoa học thực sự", ông nhấn mạnh.
TS Út cho rằng, khi đánh giá luận án tiến sĩ phải căn cứ vào nội dung, kết quả, đóng góp gì mới cho chuyên ngành không, các kết quả nghiên cứu có được công bố trên những diễn đàn khoa học uy tín không… không thể đánh giá một luận án tiến sĩ chỉ thông qua tiêu đề.
Mặt khác, luận án tiến sĩ này được thực hiện tại Đại học Bách khoa Hà Nội, trường đại học uy tín cao ở Việt Nam và thế giới. Trường đang nằm trong top 700 đại học hàng đầu thế giới theo Bảng xếp hạng SCIMAGO (Tây Ban Nha) - bảng xếp hạng đại học uy tín và khách quan tuyệt đối.
Trước đó, PGS.TS Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện dệt may, da giày và thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm, đề tài nghiên cứu về áo ngực phụ nữ trên mang ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn. Áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe của người mặc. Áo ngực không phù hợp có thể làm người mặc thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương trên da,… Vì vậy đề tài có tính cấp thiết rất lớn.
Bà Thảo cho rằng, vấn đề nghiên cứu này còn mới ở Việt Nam, trong khi, trên thế giới, các nghiên cứu về áo ngực xuất hiện từ cách đây 15 năm. Do vậy kết quả nghiên cứu sẽ góp phần xây dựng cơ sở khoa học cải thiện độ tiện nghi của áo ngực nữ trong quá trình thiết kế và sản xuất, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.