Chi 1,5 tỷ "làm mới" toàn bộ căn hộ, mua vì quá thích kết cấu nhà
Chị Hồng Thảo (42 tuổi) mua căn hộ 150m2 ở trong 1 chung cư đã xây cách đây khoảng hơn 10 năm tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, bên trong căn hộ không còn mới, thiết kế cũng không còn theo kịp xu hướng hiện tại. Dù vậy, chị Thảo và gia đình vẫn quyết định mua căn nhà này, bởi vì thích căn hộ thấp tầng, có quang cảnh (view) đẹp và đặc biệt là ban công rộng xuyên suốt chiều dài căn hộ. Dù gần như đập toàn bộ căn nhà để "làm mới", chị Thảo vẫn "một lòng" quyết định lựa chọn căn nhà này.
"Thực ra căn hộ mình không dùng nội thất đắt tiền, nhưng chi phí cho phần cứng nhiều. Ví dụ, hệ thống cửa kính xuyên suốt chiều dài căn hộ đã ngót 110 triệu đồng, hệ thống máy lạnh tầm 70 triệu đồng, rồi còn chi phí cải tạo ban công gần 100 triệu đồng,... Vì diện tích lớn nên chi phí cũng cao hơn, riêng phần nội thất khoảng 800 triệu đồng", chị Thảo chia sẻ. Tổng chi phí cải tạo trong đó có nội thất và đồ dùng mới hoàn toàn là khoảng 1,5 tỷ đồng.
Khi được hỏi về lời khuyên cho những người cũng đang quyết định cải tạo nhà như mình, chị Thảo chia sẻ, "Khi cải tạo nhà, vợ chồng mình học được nhiều điều mới, hứng thú và toàn tâm toàn ý vào từng chi tiết trong căn hộ. Có những phát sinh, tụi mình tính không làm nữa, sử dụng đồ cũ, nhưng lại thích sự hoàn hảo do vậy lại mạnh dạn đầu tư. Và thật lòng mà nói, gia đình mình rất hạnh phúc với quyết định đó".
Mua nhà cũ rồi cải tạo hết 200 triệu vẫn rẻ hơn mua mới
Thuý Ngân (29 tuổi) đã cùng chồng mua 1 căn nhà cũ vào cuối năm 2020. Diện tích sàn căn nhà là 42m2, diện tích sử dụng 102m2 bao gồm 1 tầng trệt, 1 tầng lửng và 1 lầu ở TP Hồ Chí Minh. Cô chia sẻ rằng bản thân đã muốn cải tạo nhà từ khi mua nhà để có một không gian mới phù hợp với lối sống của gia đình hơn.
Tổng chi phí chi ra khoảng 200 triệu đồng để sửa lại căn nhà. Những phần trong nhà được cải tạo là: sửa toàn bộ khu bếp, thay toàn bộ thiết bị 2 nhà vệ sinh; lát gạch phòng khách, hành lang, 1 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh và ban công; lát gỗ phòng ngủ lớn, phòng ngủ nhỏ thứ 2; lát đá lại cầu thang và sơn nước toàn nhà.
Khi được hỏi tại sao chọn nhà cũ rồi chi một số tiền không hề nhỏ như vậy, cải tạo khá nhiều phần trong nhà thay vì mua mới, Thúy Ngân chia sẻ "Để mua được 1 căn nhà mới có cùng diện tích giá sẽ khá cao. Do vậy, mình mua nhà cũ cải tạo sẽ phù hợp với ngân sách hơn. Hơn nữa, do làm trong ngành xây dựng nội thất, mình hiểu rõ là nếu đã ở thì nên cải tạo ngay từ đầu. Còn sau này vào ở rồi mới cải tạo sẽ rất phức tạp và không được như ý do bất tiện nhiều vấn đề về sau".
Thuý Ngân lập ngân sách cải tạo nhà bằng cách lên tất cả các hạng mục cần mua từ những cái to nhất đến nhỏ nhất: Chi phí nhân công phần thô và vật tư cải tạo, mua nội thất, gạch, thiết bị điện tử, và chi phí phát sinh dự kiến.
"Từ khi mua nhà, mình xác định sẽ sửa nhà để ở thì mỗi tháng chỉ trích một khoản mua 1-2 món để đó trước, như thiết bị vệ sinh, thiết bị điện tử. Mua trước như vậy sẽ giúp mình chia nhỏ dòng tiền ra không phải bỏ một khoản tiền lớn khi vô thi công. Cho nên đến khi tổng kết chi phí, mình không bị phát sinh".
Chi 250 triệu "làm mới" căn nhà cũ 97m2
Vào tháng 2 năm nay, Ly Nguyễn đã mua căn hộ 97m2 ở Hà Nội và quyết định cải tạo gần như toàn bộ nhà trừ khu nhà tắm và logia. Thời gian từ lúc bắt đầu quyết định cải tạo cho tới khi hoàn thành toàn bộ khoảng 1,5 tháng. Việc cải tạo phù hợp với khả năng tài chính hiện tại của Ly.
Ly Nguyễn
"Việc phát sinh là không thể tránh khỏi, tuy nhiên mình cùng đội ngũ thi công đã tối thiểu hóa việc phát sinh này nhất có thể bằng cách lập kế hoạch cũng như dự toán chi tiết từ ban đầu. Một khoản dự trù 20% cũng được mình cho vào chi phí từ trước. Vậy nên khoản phát sinh có thể nói là vẫn nằm trong kế hoạch của mình", trải nghiệm của Ly trong việc lập ngân sách cải tạo nhà.
Bên cạnh đó, cô bạn cho rằng khi quyết định cải tạo nhà, mục đích và sự cần thiết là yếu tố tiên quyết. Sau đó, cần cân nhắc tới ngân sách liệu có đáp ứng được kế hoạch cải tạo đó không. Tính an toàn, tiện lợi cho người ở là 2 điều nên được ưu tiên trước khi tính đến bất kỳ yếu tố nào khác.
"Ở giai đoạn lên kế hoạch, đương nhiên cần tham khảo thật nhiều. Nhưng thay vì chạy theo xu hướng hay chọn những đồ đạc đắt tiền nhất thì hãy lấy chính căn nhà và mong muốn của mình làm trọng tâm. Chẳng hạn, nhiều người quan niệm phòng khách thì nhất định cần tivi, nhưng cá nhân mình không sử dụng mấy nên mình đã quyết định lược bỏ. Sự phù hợp là trên hết", Ly Nguyễn chia sẻ.
Ảnh: NVCC