Chứng khoán

Chuyên gia gợi ý 4 nhóm cổ phiếu nhiều tiềm năng đón sóng 2024-2025

 

4 nhóm cổ phiếu tiềm năng

 

Theo ông Hồ Quốc Bình, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư của Quản lý Quỹ Thành Công (TCAM) kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy của chu kỳ trong thời gian gần đây. "TTCK đang ở thời điểm vàng để giải ngân cho giai đoạn 3-5 năm tới", ông Bình đưa ra đánh giá tại sự kiện mới đây do TCAM tổ chức.  

Ngoài trừ giai đoạn COVID, tốc độ tăng trưởng GDP đã chạm đáy vào quý I/2023, với 3,4%, và đang tăng trưởng tốt các quý gần đây. Kế hoạch của Chính phủ và các tổ chức tài chính lớn có chung dự báo GDP tăng 6-6,5% năm 2024.

Xuất khẩu đã tăng trưởng dương trở lại. Nguồn vốn FDI vẫn khả quan, mặc dù bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm 2 năm gần đây. Tốc độ giải ngân FDI hiện đang cao hơn các năm trước, là điểm sáng của nền kinh tế, đóng vai trò đầu tàu giai đoạn sắp tới. 

Ông Hồ Quốc Bình chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: X.N).

Mặc dù bối cảnh kinh tế, qua các dữ liệu, cho thấy sự hồi phục trong giai đoạn qua, thị trường chứng khoán, đại diện là VN-Index, lại chứng kiến chiết khấu khoảng 20% so với đỉnh 1.500 điểm về quanh 1.200 điểm. Điều này có sự khác biệt so với nhiều nước trên thế giới, ví dụ như chứng khoán Mỹ đang vượt đỉnh mọi thời đại.

Mức 1.200 điểm của VN-Index hiện tại rất khác so với trước đây. P/E hiện tại của thị trường 13,7 lần là mức rất thấp, đặc biệt trong khi kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Bình quân thị trường chứng khoán Việt Nam, P/E rơi vào khoảng 15 lần. Khi kinh tế hồi phục, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng, tiềm năng thị trường chứng khoán tăng lên từ nền là rất lớn.

Đại diện TCAM kỳ vọng lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp lớn trên thị trường sẽ tăng 15-20% trên nền thấp của 2023. Thực tế quý IV/2023 đã quay lại tăng trưởng và quý I/2024 tiếp tục tăng.

 

Mặt khác, nói về các loại tài sản, ông Bình cho biết Việt Nam là một trong những nước có tỷ trọng tiền gửi cư dân/GDP cao nhất khu vực, đạt gần 62%. Trong khi mặt lãi suất tiền gửi giảm xuống để thúc đẩy phát triển kinh tế. TCAM dự báo tiền gửi sẽ duy trì 4,5%-5,5% trong thời gian tới. Đây là động lực lớn đổ tiền vào TTCK.

Những năm gần đây, số lượng tài khoản mở mới đã tăng mạnh từ 2021 đến 2024. Thanh khoản trên thị trường lên cao, giá trị giao dịch trung bình phiên 3 năm gần nhất đạt khoảng trên 15.000 tỷ đồng. Lượng tiền tại tài khoản của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán đã xấp xỉ thời điểm đỉnh VN-Index quanh 1.500 điểm. Điều đó cho thấy xu hướng dòng tiền đổ mạnh vào TTCK, và có thể tăng thêm nữa khi lãi suất thấp đi.

Về dòng vốn nước ngoài, giá trị bán ròng thời gian qua khá lớn. Theo TCAM, nguyên nhân chính là việc Fed duy trì mức lãi suất cao, khiến dòng tiền hướng về Mỹ. TCAM cho rằng điều này không duy trì quá lâu. Việt Nam dự kiến nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi. Ông Bình dự báo FTSE sẽ nâng hạng TTCK Việt Nam vào tháng 9/2024, kéo theo dòng tiền 1,5 tỷ USD đến 2026.

Bàn về cơ hội giai đoạn 2024-2025, vị chuyên gia cho rằng khi TTCK tăng điểm, sẽ có nhóm cổ phiếu dẫn dắt xu hướng phục hồi của VN-Index, trong đó lớn nhất là ngân hàng. Các ngân hàng tại Việt Nam có nội lực rất lớn và tiềm năng tăng trưởng khả quan. Thực tế nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đóng vai trò dẫn dắt từ đầu 2024 đến nay.

Thứ hai là câu chuyện hưởng lợi từ xu hướng phục hồi gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ và vật liệu.

Thứ ba là nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng FDI là khu công nghiệp và xu hướng phát triển công nghệ. Đây cũng là 2 ngành có tăng tốt trong giai đoạn vừa qua, và dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Cuối cùng là nhóm doanh nghiệp đang có định giá rẻ, cổ tức cao, nền tảng doanh nghiệp tốt.

 

Cần có chiến lược phân bổ tài sản phù hợp

Cũng theo ông Bình, việc tìm được ngành tốt, cổ phiếu tốt, hay phân tích tốt mới chỉ là bước đầu. Phần không kém quan trọng sau phân tích là thực hiện đầu tư, điều chỉnh tỷ trọng giữa các cổ phiếu, giữa cổ phiếu và tiền mặt theo từng giai đoạn.

Như hiện tại, nhà đầu tư kỳ vọng TTCK 1.200 điểm lên 1.500 điểm. Nhưng việc đi lên một mạch không phải dễ dàng, luôn có những nhịp giảm đan xen.

Ở góc độ tư vấn, ông Nguyễn Đông Hải, Thành viên Hội đồng đầu tư kiêm Tổng Giám đốc TCAM, nêu quan điểm của công ty là không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Công ty sẽ tìm hiểu nhu cầu khách hàng để thiết kế chiến lược đầu tư cũng như khoản đầu tư phù hợp.

Ông Hải nêu lại việc tỷ giá VND so với USD đang nóng. Nếu lãi suất Mỹ vẫn cao, đây chưa phải là thời điểm vàng để đầu tư. Tuy nhiên, vị CEO không cho rằng Mỹ sẽ duy trì mức lãi suất cao này.

Fed dùng dữ liệu lạm phát và kinh tế (bao gồm việc làm) để đưa ra quyết định. Lạm phát Mỹ có tăng đôi chút trong thời gian gần đây, nhưng đã giảm phân nửa so với đỉnh khoảng 7%. Khi lạm phát hạ xuống dưới 3, nhiều khả năng Fed sẽ giảm lãi suất. Cùng với đó, số liệu việc làm Mỹ quý I đang cho tín hiệu lãi suất có thể hạ nhiệt, giảm tốc.

“Năm nay Mỹ sẽ giảm lãi suất. Câu hỏi là giảm bao nhiêu và bao giờ, là vấn đề rất khó dự báo. Việc duy trì lãi suất cao đã kéo dài quá lâu. Thời điểm vàng đã sắp đến rồi”, ông Nguyễn Đông Hải dự báo.

Các chuyên gia của TCAM chia sẻ tại Sự kiện Quản lý Tài sản với chủ đề “Thời điểm vàng 2024”. (Ảnh: X.N).

Về phân lớp tài sản, ông Võ Trung Cương, Giám đốc Quản lý Quỹ, cho biết bất động sản là một lớp tài sản rất được nhà đầu tư Việt Nam yêu thích. Các lớp tài sản khác nhau có sự bù trừ lẫn nhau về đặc tính. Như bất động sản ở Việt Nam để càng lâu càng lãi, song đòi hỏi lượng vốn lớn, thanh khoản ngắn hạn thấp, có tính chu kỳ cao, có thể tính bằng năm. Nhưng bất động sản lại có tính ổn định, đem lại sự ưa thích.

Trong các năm gần đây, chứng khoán nổi lên là kênh được nhiều nhà đầu tư yêu thích, bao gồm các chủ doanh nghiệp am hiểu về kinh tế-tài chính, các nhà đầu tư trẻ gen Z. Ưu điểm của cổ phiếu là tính thanh khoản, tức tốc độ thành tiền, rất cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm