Phong cách sống

Tự tin xin nghỉ việc vì trong tay có 50 triệu đồng: Chỉ sau 2 tháng đã thấy hối hận

TIN MỚI

“Mình còn nhớ cái cảm giác nỗ lực tiết kiệm từng đồng một nhằm có đủ vốn để sau đó nộp đơn xin nghỉ việc. Thời gian đầu thất nghiệp, mình thoải mái lắm, vứt được hết lo toan với sếp và đồng nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng thứ 5, gửi CV không ai hồi âm, tạch gần hết các buổi phỏng vấn thì mình bắt đầu lo lắng, ngồi ở nhà chán nản và mất hết động lực”, Thu Uyên (25 tuổi, quê gốc Bình Thuận) chia sẻ nỗi lòng sau đợt thất nghiệp dài ngày.

Thu Uyên đã có khoảng thời gian “thất nghiệp tự nguyện”, sau 2 năm làm việc không ngừng nghỉ. Cô dành hẳn 1 tháng chỉ để nghỉ ngơi và hưởng thụ, sau chuỗi ngày làm việc với cường độ cao. Tuy nhiên, cho đến tháng thứ 5 thất nghiệp mà chưa tìm được công việc mới, cô dần trở nên lo lắng vì quỹ tiết kiệm đang dần cạn kiệt.

“Nếu muốn nghỉ việc để chữa lành, đừng quên có đủ tiền hay không mới là điều quan trọng nhất” – là bài học Thu Uyên nhận được.

Tiết kiệm 50 triệu đồng để nộp đơn xin nghỉ việc

Trước khi rơi vào cảnh thất nghiệp, Thu Uyên từng làm telesale với mức lương 12 – 14 triệu đồng/tháng. Biết một ngày không xa mình sẽ nộp đơn xin nghỉ việc, do đó Thu Uyên đã chủ động tìm kiếm cơ hội mới và chắt bóp đủ kiểu để có 50 triệu đồng làm khoản dự phòng.

Thu Uyên cho biết: “Từ khi bắt đầu làm ở công ty cũ, mình đã khóc rất nhiều, vì sự bất công từ sếp, chuỗi drama liên tiếp nổ ra từ phòng ban này với phòng ban khác cho đến tranh chấp của những người trong team. Mỗi ngày đi làm giống như một sự ‘tra tấn’ khiến mình chỉ muốn nghỉ việc để tìm công ty mới.

Kinh tế khó khăn, trong khi một mình sống ở thành phố lớn nên mình cũng ý thức cần chuẩn bị trước cho nghỉ việc.

Đầu tiên, mình chắt bóp đủ kiểu, không mua sắm hoang phí suốt vài tháng để có khoản tích luỹ 50 triệu đồng. Khi nào tiết kiệm đủ tiền thì mình cũng xin nghỉ việc luôn. Thứ hai, song song làm ở công ty cũ mình cũng đã tìm việc mới. Nhưng đến lúc nộp đơn xin nghỉ rồi, mình vẫn chưa tìm được việc".

Tự tin xin nghỉ việc vì trong tay có 50 triệu đồng: Chỉ sau 2 tháng đã thấy hối hận- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ


Tuy nhiên, "rảnh rỗi sinh nông nổi" đã khiến cô nàng muốn bắt tay vào tìm kiếm công việc mới, cũng như giảm bớt sự chán nản do ở nhà quá lâu ngày. Thế nhưng, quá trình tìm được công việc mới không dễ dàng như cô nàng mường tượng.

"Kỳ thực lúc nghỉ việc, mình cũng biết thị trường lao động khó khăn rồi. Nhưng đến lúc chính thức thất nghiệp mình mới biết có được công việc mới khó như thế nào.

Thời gian đầu mình còn kén chọn, không gửi CV cho các công ty có mức lương không cao hay làm việc quá xa nhà. Nhưng giờ mình đã chủ động rải CV đến cả những công ty này, nhưng đổi lại là không thấy hồi âm, hoặc họ đưa ra đề nghị mức lương quá thấp", Thu Uyên nói tiếp.

Làm gì khi đang trong trạng thái thất nghiệp?

Để thoát khỏi tình trạng trên, Thu Uyên quyết định tìm ra giải pháp hợp lý khi lỡ rơi vào cảnh thất nghiệp nhưng sắp hết tiền.

Thứ nhất, cắt giảm hết khoản chi không cần thiết

Nhận thức hoàn cảnh của bản thân, Thu Uyên đã phải hạ mức chi phí sinh hoạt hàng ngày nhất hết mức có thể. Chỉ sống ở TP.HCM với mức chi phí chỉ 4 triệu đồng/tháng - một điều mà cô nàng từng nghĩ bản thân sẽ không làm được, nhưng cô đã hoàn thành chúng trong chuỗi ngày thất nghiệp.

Thu Uyên liệt kê: "Tiền nhà của mình sau khi được chia sẻ cùng 2 bạn khác thì còn 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền ăn của mình là 1,5 triệu đồng. Còn lại 1 triệu đồng là tất cả chi phí còn lại của tháng, bao gồm tiền uống 1-2 cốc trà sữa, xăng xe, mua đồ đạc cá nhân,...

Khi thất nghiệp, mục tiêu của mình là phải có được công việc mới nhanh chóng, sống tốt qua quãng thời gian này mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Do đó, các khoản chi tiêu mà chỉ phục mục đích khoe khoang bên ngoài, mua để giải trí,... mình cắt bỏ hoàn toàn".

Tự tin xin nghỉ việc vì trong tay có 50 triệu đồng: Chỉ sau 2 tháng đã thấy hối hận- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Thứ hai, khi quá rảnh rỗi, hãy tự học thêm kỹ năng

Thất nghiệp không chỉ cho bạn thời gian nghỉ ngơi, mà còn là lúc bạn có thể tranh thủ làm những việc mà ngày thường hay than thở "bận lắm, không có thời gian làm đâu". Với Thu Uyên, cô nàng đã dùng thời gian thất nghiệp để tự luyện khả năng tiếng Anh và tiếng Trung - một kỹ năng rất có lợi về sau này.

"Sau khi cân bằng được tài chính cá nhân, mình cần tìm một việc để làm nhằm khiến bản thân bận rộn. Điều này sẽ giúp mình tránh bị ì đi, hay có suy nghĩ tiêu cực. Cách mình chọn là học thêm ngoại ngữ mới. Đây là những việc mình thấy có ý nghĩa nhất trong thời gian rảnh rỗi. Trước kia, mình đã muốn tự học ngoại ngữ, nhưng chưa bao giờ thực sự đầu tư cho chúng", cô nàng nói.

Thu Uyên cũng cho hay, đừng mang suy nghĩ rơi vào cảnh thất nghiệp, đồng nghĩa với việc bạn không làm gì cả. Không đi làm ở một công ty, nhưng không có nghĩa là bạn được ngưng làm việc hay cố gắng để phát triển bản thân.

Thứ ba, đừng vội nản khi rải CV

Sau gần nửa năm thất nghiệp, cuối cùng Thu Uyên đã tìm được công việc gần nhà, thông qua sự giới thiệu của người thân. Thất nghiệp là quãng thời gian không mong muốn với bất kỳ ai, tuy nhiên chúng ta cần phải giữ vững sự bình tĩnh để chờ đợi cơ hội mới phù hợp.

"Mình từng phải hạ tiêu chuẩn xuống hết mức để tìm kiếm công việc, từ hạ mức lương cho đến đi làm xa,... thế nhưng không được HR nào phản hồi lại. Cho đến công việc mới đây, mình may mắn khi tìm được vị trí phù hợp, gần nhà, môi trường khá ổn mà mức lương lại được như mong muốn.

Do đó, mình nghĩ rằng nếu bạn còn đang rải CV mà mãi chưa nhận được phản hồi, có lẽ không phải do năng lực chưa đủ tốt mà thời điểm  đó, đơn giản là HR không tiếp cận được bạn. Thay vì giữ tâm trạng buồn bã, bạn hãy dành thời gian để hỏi bản thân: Bạn cần gì ở công việc sắp tới? Sau đó, thử kết nối với người xung quanh hoặc chăm chỉ tham gia những hội nhóm về việc làm để nhanh chóng tìm thấy cơ hội phù hợp hơn", Thu Uyên bày tỏ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm