"Trong những năm trước, việc cấp thêm hạn mức tín dụng là bình thường vì vào thời điểm cuối năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay có động thái mở thêm 1 - 2% room tín dụng. Tuy nhiên việc tăng thêm 1,5-2% hạn mức tín dụng vào thời điểm này là khá bất ngờ ở chỗ khẳng định của nhà điều hành trong năm luôn là duy trì tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 14%", Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ về động thái mới đây của NHNN.
Ông Minh chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến NHNN đưa ra quyết định trên. Cụ thể:
Thứ nhất, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế còn khá lớn khi rất nhiều doanh nghiệp sản xuất rơi vào tình trạng thiếu vốn do chịu thiệt hại từ COVID-19 năm 2021. Trong khi hiện tại đang ở mùa cao điểm nhu cầu đơn hàng tăng cao, nếu không có nguồn vốn thì sản xuất kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng cũng xúc tiến tăng thanh khoản hệ thống nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn tại Thông tư 22. Qua đó, thanh khoản hệ thống tăng lên và trở nên dồi dào. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến NHNN tăng thêm room tín dụng cho toàn hệ thống.
Thứ ba, động thái này cũng hướng đến việc giảm áp lực tăng lãi suất trong thời gian qua, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là nền kinh tế nói chung.
Nhìn lại thời điểm tháng 8-10, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều tăng rất cao, gây ra khó khăn cho nền kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn COVID-19. Vị chuyên gia này cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến lãi suất cho vay tăng đột biến do room tín dụng hạn hẹp trong khi nhu cầu lại lớn, tức nguồn cung tiền thấp khiến lãi suất cho vay tăng nóng.
Như vậy, khi NHNN cấp thêm room tín dụng sẽ giúp lãi suất cho vay ra có khuynh hướng hạ nhiệt. Nhiều khả năng là thanh khoản hệ thống đã dồi dào trở lại, ông Minh dự báo lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ có khuynh hướng hạ nhiệt dần trong ngắn hạn.
Cũng theo đại diện Yuanta Việt Nam, việc nới thêm 1,5 - 2% hạn mức tín dụng chỉ xấp xỉ khoảng 200.000 tỷ đồng nên sẽ không ảnh hưởng lên tình hình lạm phát hiện nay. Thời gian qua, lạm phát trên thế giới tăng nóng, trong khi lạm phát ở Việt Nam đang ở mức 4,5%. Tính từ năm 2013 đến nay, lạm phát của Việt Nam trung bình là 5%, nghĩa là lạm phát hiện nay vẫn đang dưới mức trung bình.
“Cho dù có bơm ra thêm 1,5 - 2% tín dụng thì cũng không ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát. Về cơ bản, một điểm tích cực về lạm phát trong thời gian vừa qua là giá hàng hoá đang có xu hướng hạ nhiệt trên thế giới, đặc biệt là với giá dầu. Do đó, không cần lo ngại về vấn đề lạm phát khi nới thêm room tín dụng,” chuyên gia cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi trước đó, TS. Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam chỉ ra rằng, để tháo gỡ tình trạng thanh khoản hệ thống căng thẳng có hai kênh là tín dụng ngân hàng và ngân sách.
Theo đó, ông Hoè cũng kiến nghị Ngân hàng Trung ương cần tính toán để nhanh chóng bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Ngân sách Nhà nước thì phải giải ngân dứt khoát và tập trung mạnh vào các công trình trọng điểm, giải ngân để nó có thể hoàn thiện và phát huy còn nếu tỷ lệ giải ngân cao mà dàn trải không có trọng điểm thì lại dở dang và không phát huy hiệu quả.
Mặt khác, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), cho rằng hạn mức tín dụng cần tính đến sự đóng băng của thị trường trái phiếu.
Khi thị trường này gần như kiệt quệ, thanh khoản đóng băng, doanh nghiệp còn phải mua lại, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp sụt giảm thì họ cần phải có kênh tiếp cận vốn khác để bù vào.
Trong dài hạn để kiểm soát lạm phát thì NHNN cần kiểm soát được cung tiền, đặc biệt là lượng tiền cơ sở ở mức phù hợp. Tăng trưởng tín dụng nên để cho các ngân hàng thương mại tự quyết định miễn là họ đáp ứng được các chuẩn mực an toàn mà các cơ quan quản lý đặt ra, chuyên gia Phạm Thế Anh đề xuất.