Tài chính

Bên trong cơ sở đông lạnh 200 thi thể chờ hồi sinh: Bệnh nhân nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, chi phí gần 5 tỷ đồng nhưng chưa rõ ngày "đoàn tụ" với gia đình

Trong thập niên 1960, khoa học đã vượt qua ngưỡng tìm kiếm cuộc sống bất tử nhờ các kỹ thuật đông lạnh thi thể giúp ngăn chặn tiến trình thi thể biến dạng sau khi chết để hy vọng có thể hồi sinh sau này.

Năm 1972, sau khi xem một chương trình khoa học viễn tưởng cho trẻ em có tên Time Slip (Bước nhảy thời gian) nói về các nhân vật bị đóng băng, ông Max More đã nảy ra ý tưởng đông lạnh cơ thể người để chờ "hồi sinh". Đây là tiền đề quan trọng cho những đóng góp sau này của ông đối với ngành y học.

Hiện tại, ông More là cựu Giám đốc điều hành Alcor và là Đại sứ, Chủ tịch danh dự Trung tâm Kéo dài sự sống Alcor (Alcor Life Extension Foundation), một trong những trung tâm đông lạnh cơ thể người lớn nhất thế giới. Ngoài ra còn có 2 trung tâm khác là Cryonics Institute ở Mỹ (thành lập năm 1976) và Công ty KrioRus ở Nga (thành lập năm 2005).

Bên trong cơ sở đông lạnh 200 thi thể chờ hồi sinh: Bệnh nhân nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, chi phí gần 5 tỷ đồng nhưng chưa rõ ngày đoàn tụ với gia đình - Ảnh 1.

Trung tâm kéo dài sự sống Alcor ở Scottsdale, Arizona, Mỹ - Ảnh: Murray Ballard

Theo phóng viên Liliana Salgado đến từ Reuters, tính đến nay, 199 người đã gửi đầu và thi thể để bảo quản bằng phương pháp đông lạnh ở cơ sở Alcor với hy vọng có thể hồi sinh trong tương lai. Bằng cách bảo quản cơ thể ở nhiệt độ dưới 0 độ C, mục tiêu của Alcor là khôi phục sức khỏe tốt bằng công nghệ y học trong tương lai. Các bể hình trụ chứa đầy nitơ lỏng lưu giữ đầu và thi thể bệnh nhân cùng với 100 thú cưng.

Cụ thể, quá trình bảo quản đông lạnh bắt đầu ngay khi một người được tuyên bố tử vong. Ở thời điểm này, nội tạng của họ vẫn chưa phân hủy. Đội đông lạnh xác đã chờ sẵn trước đó một tuần nhanh chóng chuyển thi thể vào bồn đá và thay máu họ bằng dung dịch bảo quản nội tạng. Sau khi bệnh nhân tới cơ sở của Alcor, đội ngũ nhân viên bơm chất chống đông, hóa chất ngăn hình thành tinh thể băng có thể phá hủy nội tạng vào mạch máu của họ. Alcor làm lạnh cơ thể ở -196 độ C và lưu trữ trong bể chứa nitơ lỏng.

Cựu Giám đốc điều hành Alcor Max More từng cho biết, thuốc men và y khoa luôn phát triển. Những căn bệnh nan y hôm nay có thể được chữa trị vào ngày mai. Đông lạnh xác là cách để thu hẹp khoảng cách giữa hai mốc thời gian đó.

Bên trong cơ sở đông lạnh 200 thi thể chờ hồi sinh: Bệnh nhân nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, chi phí gần 5 tỷ đồng nhưng chưa rõ ngày đoàn tụ với gia đình - Ảnh 2.

Bình chứa nitơ lỏng bảo quản thi thể người chết tại Hiệp hội kéo dài sự sống Alcor

"Chúng tôi coi nó như mở rộng phương pháp cấp cứu. Trung tâm chỉ tiếp quản bệnh nhân khi y học ngày nay đã hết cách. Hãy nghĩ về nó như thế này: 50 năm trước, nếu thấy một người tắt thở khi đang chạy bộ, bạn sẽ kết luận luôn rằng họ đã chết. Ngày nay, chúng ta không còn làm vậy. Thay vào đó, chúng ta tiến hành hô hấp nhân tạo, làm thủ thuật sơ cứu... Những người đã chết 50 năm trước đáng ra có thể được cứu sống. Đông lạnh xác cũng hoạt động như vậy, chúng tôi chỉ ngăn cơ thể họ bị tổn hại nặng nề hơn, cho đến khi y học có cách chữa trị".

Khách hàng của Alcor đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong điều kiện lý tưởng, trung tâm sẽ tiên lượng thời điểm tử vong của bệnh nhân. Các chuyên gia thành lập một danh sách thành viên mắc bệnh nặng, theo dõi diễn tiến sức khỏe của họ. Khi thời điểm "sinh tử" gần đến, họ cử một nhóm dự phòng đến bên giường bệnh và chờ đợi.

Trên thực tế, không phải đến thời điểm này việc bảo quản đông lạnh thi thể mới được quan tâm. Người đầu tiên được đông lạnh theo phương pháp bảo quản thi thể là nhà tâm lý học James H. Bedford, qua đời năm 1967 ở tuổi 73 do ung thư thận. Thi thể của Bedford được phủ băng và xử lý bởi các chuyên gia đến từ Hiệp hội đông lạnh California. Hiện nay, xác ông đang nằm trong một bể chứa của Alcor.

Bên trong cơ sở đông lạnh 200 thi thể chờ hồi sinh: Bệnh nhân nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, chi phí gần 5 tỷ đồng nhưng chưa rõ ngày đoàn tụ với gia đình - Ảnh 3.

Hai người được lưu giữ tại Alcor gồm bé gái 2 tuổi người Thái Lan chết vì ung thư não và Hal Finney, nhà khoa học máy tính và nhà đầu tư bitcoin

Trong 7 phút đầu tiên sau khi ông Bedford qua đời, các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp bảo quản để chuẩn bị cho ông một cuộc đời mới. Đầu tiên, người ta tiến hành hô hấp nhân tạo cho Bedford để duy trì oxy lưu thông lên não trong khi bơm hợp chất DMSO (Dimethyl Sulfoxide) vào tĩnh mạch thay thế máu và tìm cách khiến các cơ quan nội tạng không hạ nhiệt. Sau đó, thi thể của ông được đặt trên băng trong một ống kim loại chứa hợp chất nitơ lỏng và đưa đến một cơ sở điện lạnh ở bang Arizona.

Kể từ đó, ông Bedford trở thành người đầu tiên được đông lạnh bằng hợp chất nitơ lỏng và sẵn sàng hồi sinh khi nhân loại tìm ra phương pháp chữa trị ung thư.

Bệnh nhân trẻ nhất ở Alcor là bé gái Matheryn Naovaratpong, 2 tuổi, người Thái Lan mắc bệnh ung thư não, được bảo quản đông lạnh từ năm 2015. Cha mẹ của em đều là bác sĩ. Matheryn từng trải qua nhiều ca phẫu thuật não nhưng không thành công.

Một số bệnh nhân nổi tiếng khác đang được chờ hồi sinh phải kể đến như nhà phát triển phần mềm và chuyên gia tiên phong về Bitcoin Hal Finney mất năm 2014 do bệnh ALS; cầu thủ bóng bầu dục Ted Williams chết năm 2002 do biến chứng bệnh tim...

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế bày tỏ hoài nghi về phương pháp bảo quản đông lạnh xác người.

Bên trong cơ sở đông lạnh 200 thi thể chờ hồi sinh: Bệnh nhân nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, chi phí gần 5 tỷ đồng nhưng chưa rõ ngày đoàn tụ với gia đình - Ảnh 4.

Thùng nitơ lỏng để bảo quản xác người nhiều năm - Ảnh: GOST

Bà Shannon Tessier, nhà sinh học lạnh tại Trường Đại học Harvard, Mỹ, nhận định: “Ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn không có cách nào có thể đóng băng toàn bộ thi thể xuống nhiệt độ -196 độ C mà không phá hủy hoàn toàn các mô”.

Theo bà Shannon, khi các nhà khoa học thí nghiệm đông lạnh mẫu mô người sống, chẳng hạn như một lát gan, màng tế bào đã bị phá hủy hoàn toàn. Quy trình đông lạnh thất bại vì khoa học hiện nay chưa thể đạt được sự bảo quản thi thể hoàn hảo như nhân loại kỳ vọng.

Còn Tiến sĩ Joao Pedro de Magalhaes, nhà sinh vật học tại Trường Đại học Liverpool, cho biết: “Quá trình đông lạnh thi thể làm tổn hại nghiêm trọng các tế bào của cơ thể. Ngay cả trong những điều kiện tối ưu như bảo quản, ngay sau khi chết, vẫn có những thách thức.

Ví dụ, chất chống đông sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với các mô của thi thể khi tiếp xúc lâu dài. Cơ hội thi thể được bảo quản lạnh hồi sinh là thấp nhưng cũng không phải là không thể”.

Bên trong cơ sở đông lạnh 200 thi thể chờ hồi sinh: Bệnh nhân nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, chi phí gần 5 tỷ đồng nhưng chưa rõ ngày đoàn tụ với gia đình - Ảnh 5.

Chuyên gia y tế chuẩn bị các loại thuốc cho bệnh nhân trước khi tiến hành đông lạnh - Ảnh: GOST

Nhìn chung, dù chưa có bằng chứng đông lạnh xác người có hiệu quả nhưng những người ủng hộ đề cập nhiều thành tựu khoa học trong đó tinh trùng, phôi thai và tế bào gốc được đông lạnh và rã đông thành công. Năm 2016, nhóm nghiên cứu ở 21st Century Medicine bảo quản đông lạnh và rã đông não thỏ mà không gây tổn thương cấu trúc.

Hiện chi phí đông lạnh toàn bộ thi thể ở Alcor có giá ít nhất 200.000 USD và bảo quản não có giá 80.000 USD. Song, không ai biết chắc khi nào có thể đánh thức các bệnh nhân. Được hỏi về khoảng thời gian đó, người đứng đầu Alcor đưa ra con số từ 50 đến 100 năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm