Trong phiên thảo luận “Truy tìm cơ hội", các chuyên gia nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn những yếu tố khó khăn, doanh nghiệp vẫn thiếu vắng đơn hàng, vấn đề thiếu vốn, lãi suất vay thực tế vẫn còn cao. Tuy vậy, “trong nguy có cơ”, thị trường chứng khoán (TTCK) lại thường đi trước nền kinh tế. Giai đoạn vừa rồi, thị trường đã bùng nổ, VN-Index vượt 1.200 điểm với thanh khoản có rất nhiều phiên vượt tỷ USD. Điều này cũng đặt ra nghi vấn rằng liệu thị trường có đang quá hưng phấn hay không.
P/E thị trường đang ở mức cao, nhà đầu tư cần quan tâm đến câu chuyện định giá
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, cho biết thị trường đã tăng 23% trong 7 tháng đầu năm, trong khi đó lợi nhuận doanh nghiệp 6 tháng giảm 10%. Các dự báo cho cả năm 2023 hầu hết là tăng trưởng rất thấp, thậm chí không tăng trưởng.
P/E của TTCK dự báo năm 2023 ở vào mức 15 - 16 lần, nếu loại nhóm ngân hàng thì đạt khoảng 21 lần, tiệm cận mức P/E trung bình của Việt Nam trong nhiều năm. Chưa kể, tăng trưởng lợi nhuận trong các năm đó dao động 15 - 20%. Như vậy, rõ ràng việc nhà đầu tư mới tham gia vào TTCK thời điểm này sẽ có những rủi ro nhất định.
Theo kinh nghiệm của VinaCapital, thị trường không chỉ có rủi ro mà còn có những cơ hội. Rủi ro sẽ đến với những nhà đầu tư cá nhân khi họ đi theo dòng tiền và giải ngân ồ ạt vào những cổ phiếu không có giá trị cơ bản.
Nói về cơ hội, bà Phương chỉ ra hai khía cạnh cần phải làm rõ, bao gồm định giá của thị trường đang đắt hay rẻ và sự hồi phục lợi nhuận doanh nghiệp 6 tháng cuối năm sẽ diễn ra như thế nào.
Thứ nhất, về định giá, P/E khối phi ngân hàng đang ở mức 21 lần, tương đương với giai đoạn quý I/2018 hoặc quý II/2021, là những giai đoạn thị trường tăng rất nóng do yếu tố dòng tiền. Bên cạnh đó, việc dòng tiền đổ vào nhóm penny, vốn hóa nhỏ làm cho VN-Index lớn hơn rất nhiều so với định giá của VN30, cho thấy một sự lệch pha nhất định.
“Theo tôi, rõ ràng nếu một nhà đầu tư nhìn P/E của thị trường chung sẽ thấy nó không hợp lý. Khi đầu tư, chúng tôi không nhìn vào P/E của thị trường vì nó không có nhiều ý nghĩa”, bà Phương chia sẻ.
Thứ hai là yếu tố sự phục hồi của doanh nghiệp. Chuyên gia của VinaCapital cho biết khi công ty quản lý quỹ đi khảo sát, bản thân các doanh nghiệp cũng không chắc sẽ phục hồi vào quý III, quý IV hay qua 2024. Tuy vậy, đã có những dấu hiệu của sự phục hồi. Đơn hàng của một số khối đã có sự tăng trưởng trở lại.
Với nhóm sản xuất, điều cần quan tâm là khối này đã cắt giảm lao động, đóng cửa một số nhà máy thì khi họ khởi động lại họ có khả năng thực hiện ngay các đơn hàng hay không. Bà Phương cho rằng sẽ có sự phân hóa.
Đối với ngân hàng, Thông tư 06 cho phép người vay được vay với lãi suất thấp hơn (so với lãi vay trước đó vay tại ngân hàng khác với cùng khoản vay). Với những ngân hàng có chi phí vốn thấp mới có thể offer (đề xuất) lãi vay thấp để thu hút nhiều khách hàng cá nhân. Ngược lại, cũng có một số ngân hàng đang có định rẻ nhưng bức tranh kinh doanh không tốt, NIM thu hẹp nhiều do họ phải giải quyết một số khoản vay bất động sản trước đó. Tóm lại, bà Phương nhận định tất cả đều có sự phân hóa.
Về phía mình, quỹ của VinaCapital cho biết chiến lược đầu tư có sự khác biệt rất nhiều so với nhà đầu tư cá nhân. Ví dụ, quỹ VESAF thuộc VinaCapital do bà Phương quản lý có nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Thực tế ghi nhận, lợi nhuận VESAF 3 năm trở lại đạt tăng trưởng tủng bình 30% mỗi năm, gần gấp 3 lần so với VN-Index. Thay vì chỉ tập trung vào hiệu suất đầu tư bền vững, quỹ cũng chú trọng những cơ hội chu kỳ ngắn hạn. Mức tăng trưởng chủ yếu lại nhờ vào những lúc thị trường giảm chứ không phải lúc thị trường tăng.
Trong bối cảnh hiện tại, vị chuyên gia cho rằng không chỉ trong lĩnh vực đầu tư mà cả các lĩnh vực khác đều cần sự linh hoạt trong hành động. Như các công ty sản suất, trước đây đề cao sự hiệu quả thì bây giờ phải linh hoạt để đối phó với thị trường.
Nhà đầu tư tham gia thị trường vào thời điểm này cần phải quan tâm đến câu chuyện định giá, các doanh nghiệp định giá thấp có tiềm năng tăng trưởng. Sẽ có sự phân hóa giữa các ngành và trong các ngành cũng sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp, cũng như khác nhau về sự biến động về giá cổ phiếu.
Sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm ngành
Nói về tăng trưởng lợi nhuận, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận thấy hầu hết các ngành nghề đã có dấu hiệu tạo đáy trong quý IV/2022 và quý I/2023. Tuy nhiên, giữa các ngành có sự phân hóa rất mạnh mẽ, một số ngành có sự phục hồi đáng kể so với bức tranh chung như bảo hiểm, khu công nghiệp, dịch vụ tài chính,... là các nhóm ngành có sự phục hồi tốt trong 6 tháng đầu năm.
Ngược lại một số nhóm ngành còn chưa cho thấy sự phục hồi rõ ràng như phân phối và bán lẻ, ô tô và phụ tùng, dệt may,... Bà Lam đánh giá điều này phù hợpvới diễn biến niềm tin tiêu dùng và chi tiêu tiêu dùng trong giai đoạn hiện tại.
Khi quan sát về P/E giữa các nhóm ngành, VDSC nhận thấy có sự phân hóa lớn. Đa số các ngành đang giao dịch ở mức P/E vượt qua khỏi vùng trung bình 3 năm gần nhất, và cao hơn mức trung vị của các nhóm ngành. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang trả mức P/E cao cho các nhóm ngành, không phải là kỳ vọng về cổ tức hay lợi nhuận hiện tại mà là kỳ vọng trong tương lai về tăng trưởng lợi nhuận, đặc biệt là sau khi các cơ quan ban ngành đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Xét nhóm doanh nghiệp đại diện hơn 50% vốn hóa thị trường, VDSC dự phóng tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm đạt khoảng 10%, so với mức lợi nhuận lũy kế trong nửa đầu năm hầu như không tăng trưởng hoặc giảm. Trong đó, một số ngành được kỳ vọng phục hồi mạnh trong nửa cuối năm kể đến như bán lẻ, tiêu dùng hàng lâu bền, ô tô và phụ tùng,...
Bà Lam nhận định nếu các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế chưa thực sự đi vào hiệu quả, khi đó kỳ vọng đầu tư sẽ không như dự kiến của nhà đầu tư, có thể có sự điều chỉnh P/E sẽ giảm trở lại.