Thời sự

CPI so sánh theo tháng tăng tốc, một nhóm hàng hóa tăng cao nhất trong 10 năm và nỗi lo lạm phát 2024

CPI toàn phần và lạm phát cơ bản theo tháng sẽ chịu áp lực thời gian tới

Trong báo cáo vừa công bố, nhóm phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) đưa ra cảnh báo cả lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đều tăng trong ba tháng qua tính theo tháng.

So với tháng trước, chỉ số CPI tăng 0,46%, trước đó tháng 6 tăng 0,3%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm. Lạm phát cơ bản xét theo tháng cũng tăng 0,36%, hơn mức tăng 0,24% trong tháng 6.

Xét cùng kỳ, CPI tháng 7 tăng 2,06%, chấm dứt chuỗi 5 tháng liên tục giảm nhẹ, chủ yếu do nhóm giao thông nhích tăng trở lại. Lạm phát cơ bản tăng 4,1% so với cùng kỳ (giảm so với mức tăng 4,3% trong tháng 6). 

CPI toàn phần và lạm phát cơ bản theo tháng đều tăng trong ba tháng qua. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, WiChart).  

Dự báo thời gian tới, các chuyên gia của MBKE cho rằng nhóm lương thực và dịch vụ ăn uống (chiếm 33,6% trong rổ CPI) có thể có nhiều khả năng giảm bớt do lạm phát cơ bản tăng cao trong nửa cuối năm ngoái.

Ngược lại, đà giảm của lĩnh vực giao thông (chiếm 9,7% trong rổ CPI) sẽ thu hẹp trong những tháng tới.

MBKE nhấn mạnh CPI toàn phần và lạm phát cơ bản so sánh theo tháng có thể chịu áp lực liên tục do nhiều yếu tố. Thứ nhất là căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.

Ngoài ra, chủ trương bảo hộ lương thực và hiện tượng El Nino sẽ làm giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng lên.

Yếu tố thứ ba là giá dầu thô toàn cầu đang ở mức cao nhất trong ba tháng, được hỗ trợ bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC và cam kết thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền Trung Quốc. 

CPI nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng lên mức cao nhất trong 10 năm

Trong cuộc trao đổi mới đây, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup đề cập đến điểm đáng chú ý nhất trong số liệu CPI tháng 7, đó là nhóm "hàng hóa và dịch vụ khác" tăng 2,84% so với tháng 6.

Ông cho rằng đây là con số biến động rất lớn và hiếm gặp, lần gần nhất hiện tượng này xảy ra là vào tháng 5/2012.  

"Hiện tại, do những rào cản nhất định về mặt tiếp cận số liệu và công bố thông tin nên cá nhân tôi cũng không thể giải thích được điều gì đã làm chỉ số này biến động cao đến như vậy.

Nhưng rõ ràng sự biến động này sẽ là nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng tốc của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 vừa qua và có thể trong các tháng tới. Hy vọng rằng sự biến động này chỉ là nhất thời trong một tháng, không kéo dài", ông nói.

So sánh với cùng kỳ, nhóm "hàng hóa và dịch vụ khác" cũng bật tăng khá cao, lên mức 5,88%, cao nhất kể từ tháng 7/2013.

CPI nhóm "hàng hóa và dịch vụ khác" tăng 2,84% trong tháng 7 so với tháng 6. Lần gần nhất chỉ số nhóm này tăng cao là vào tháng 5/2012 - tăng 3,09%. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, WiChart). 

CPI nhóm "hàng hóa và dịch vụ khác" tăng 5,88% trong tháng 7 so với tháng 7/2022. Lần gần nhất chỉ số nhóm này tăng cao là vào tháng 6/2013 - tăng 5,95%. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, WiChart). 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng không quá lo ngại về lạm phát do nhóm "hàng hóa và dịch vụ khác" chỉ chiếm tỷ trọng 3,5% trong rổ tính CPI, cần quan sát nhóm "hàng ăn và dịch vụ ăn uống" (chiếm 33,6%), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (chiếm 18,8%) và nhóm giao thông (chiếm 9,7%).

Ông dự báo từ tháng 8 trở đi, giá xăng sẽ tác động nhiều hơn đến nhóm giao thông do hiệu ứng mức nền cao không còn nữa.  

Mức nền cao cùng kỳ giúp chỉ số CPI lĩnh vực giao thông giảm đáng kể, tuy nhiên từ tháng 8 trở đi, hiệu ứng này không còn nữa. Số liệu so với cùng kỳ. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, WiChart).

Lạm phát năm 2024 được dự báo ở mức nào?

Trong báo cáo triển vọng ngành vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lạm phát năm 2023 ở mức 3% trong bối cảnh động lực tiêu dùng còn yếu và cung tiền tăng thấp và sẽ tăng lên 4% khi cầu tiêu dùng hồi phục.

Trong khi đó các chuyên gia MBKE dự báo CPI năm 2024 ở mức 3,5%, tương tự như Ngân hàng Thế giới (World Bank). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức 4%.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng lạm phát sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024, do giá năng lượng toàn cầu giảm và nguồn cung lương thực ổn định.

Trước đó, tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023” do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức,  các chuyên gia cho biết sau khi tăng 45% trong năm 2022, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới được kỳ vọng sẽ giảm 21% trong năm nay và tiếp tục đi ngang trong năm 2024, góp phần kiểm soát lạm phát năm 2024.   

Cùng chuyên mục

Đọc thêm