Tại Tọa đàm “Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới" diễn ra mới đây, TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia nhận định tổng quan về các ngành kỳ vọng phục hồi mạnh nhất trong năm 2022, nhận được sự quan tâm của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo TS.Trần Toàn Thắng, nhìn ở góc độ triển vọng tăng trưởng toàn cầu cũng như trong nước có thể có một số nhóm ngánh đáng quan tâm.
Thứ nhất là những ngành liên quan đầu tư công. Chính phủ đang đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công. Tất cả những ngành liên quan như sắt thép, xi măng sẽ là một trong những ngành có triển vọng tăng trưởng tốt khi mà các công trình đầu tư công được đồng loạt triển khai xây dựng.
Thứ hai là nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Ông Thắng đánh giá với tốc độ phục hồi cầu thì triển vọng mở rộng sản xuất được từ những ngành này sẽ tương đối tốt.
Nhóm ngành thứ ba liên quan đến phục hồi trong nước, là nhóm ngành bán lẻ, được kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng tốt hơn so với ngành khác.
Ngoài ra, ông Thắng còn đề cập đến nhóm ngành công nghệ thông tin cũng kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt.
Nói thêm về các yếu tố hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế, TS.Trần Toàn Thắng trình bày báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết chính sách mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là sự mở cửa hoàn toàn từ 15/31 là điều kiện cơ sở cho quá trình phục hồi.
Tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép Chính phủ gỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt, gây gián đoạn. Cùng với đó, sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất cả nước - nơi vốn bị tổn hại nặng nề và thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau làn sóng dịch thứ 4 trong năm 2021.
Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Cộng hưởng với tác động của Chương trình phục hồi kinh tế. Các gói kích cầu nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng sẽ như một “cú huých” tới tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cũng đã nhấn mạnh đến Chương trình hỗ trợ khôi phục nền kinh tế đang được Chính phủ triển khai có tổng quy mô lên tới gần 350.000 tỷ đồng; trong đó, quy mô của giải pháp tài khóa lên tới 291.000 tỷ đồng, chiếm 83% tổng giá trị của chương trình.
Ông Trần Toàn Thắng cho biết đánh giá sơ bộ, nhóm nghiên cứu cho rằng Chính sách tài khóa được thiết kế giữ vai trò chủ đạo trong Chương trình phục hồi kinh tế, kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển.
“Gói đầu tư công là gói tài khóa khá quan trọng trong Chương trình, được kỳ vọng rất lớn có thể mang lại hiệu ứng tốt, kích thích tăng trưởng kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn từ đầu tư công từ Chương trình vẫn chưa được triển khai do một số vấn đề về thủ tục phê duyệt dự án và bố trí nguồn lực,” ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt và nhanh hơn các gói kích thích kinh tế đã được thông qua, bên cạnh gói đầu tư cơ sở hạ tầng thì các gói cho vay hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho người lao động, các biện pháp miễn giảm thuế/phí cho nhóm đối tượng cụ thể, cần được đẩy mạnh hơn nữa. Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh bình đẳng, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ và tự do.