Thời sự

Việt Nam được đánh giá cao về "Chỉ số chính phủ tốt"

Việt Nam được đánh giá cao về Chỉ số chính phủ tốt - Ảnh 1.

Việt Nam xếp hạng 56/104 nước về "Chỉ số chính phủ tốt". Nguồn: chandlerinstitute.org

Trong bảng xếp hạng "Chỉ số chính phủ tốt Chandler" (Chandler Good Government Index-CGGI) năm 2022, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số "Bình đẳng thu nhập", tăng 33 bậc so với năm 2021, lên vị trí thứ 42.

Việt Nam cũng tăng 18 bậc lên vị trí thứ 39 về chỉ số "Thu hút đầu tư"; chỉ số "Sự hài lòng với các dịch vụ công" xếp thứ 15 và "Bình đẳng giới" thứ 27.

Nhìn chung, thành tích của Việt Nam ở các chỉ số "Thị trường hấp dẫn" (thứ 34) và "hỗ trợ phát triển con người" (thứ 43) cho thấy Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào tiến trình phát triển nền kinh tế đất nước, đồng thời bảo đảm một xã hội công bằng hơn.

"Chỉ số chính phủ tốt Chandler" là chỉ số toàn diện nhất trên thế giới, được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính phủ quốc gia. Chỉ số này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư nhằm nâng cao năng lực của công chức và bộ máy mà họ vận hành để xây dựng một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn.

Phương pháp luận chặt chẽ của CGGI được phát triển thông qua tham vấn với các nhân viên chính phủ, các nhà lãnh đạo, chuyên gia và nhà nghiên cứu về quản trị.

Dựa trên hơn 50 nguồn dữ liệu mở, CGGI được xây dựng theo nguyên tắc và theo hướng dữ liệu để giúp hiểu rõ năng lực của 104 chính phủ trên toàn thế giới.

Chỉ số này tập trung vào 7 trụ cột: Năng lực lãnh đạo và tầm nhìn xa; luật pháp và chính sách mạnh mẽ; thể chế mạnh; quản lý tài chính; thị trường hấp dẫn; tầm ảnh hưởng-danh tiếng toàn cầu và hỗ trợ phát triển con người.

Theo Viện Quản trị Chandler, chính phủ tốt là yếu tố quyết định các quốc gia có thành công hay không. "Chỉ số chính phủ tốt"của Chandler cho thấy lý do tại sao việc đầu tư vào năng lực mạnh mẽ của chính phủ là yếu tố quan trọng để bảo đảm kết quả tích cực trong sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp.

Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, còn có 6 nước được xếp hạng trong CGGI 2022. Theo đó, Singapore xếp hạng 3, Malaysia xếp thứ 32, Thái Lan xếp hạng 46, Indonesia hạng 49, Philippines đứng thứ 63 và Campuchia xếp thứ 90.

Đây là năm thứ 2 Viện Quản trị Chandler công bố chỉ số này sau lần công bố trước vào năm 2021. Chỉ số năm nay đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp trị, quyền sở hữu trí tuệ và chống tham nhũng cũng như đánh giá ảnh hưởng của năng lực quản trị đối với khả năng của quốc gia trong đối phó với các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm