Cổ phiếu TCO liên tục có những phiên tăng trần, giảm sàn
Sau thời gian dài gần như đi ngang kể từ đầu năm, thị giá TCO bứt phá vào đầu tháng 9 với loạt phiên tăng trần. Tính từ đầu tháng đến đỉnh 14.000 đồng/cp vào 21/9, cổ phiếu đã tăng 55%. Sau đó TCO giảm sàn 3 phiên 22 – 26/9, trở lại với 2 phiên tăng trần cuối tháng 9, đóng cửa 12.550 đồng/cp. Bên cạnh xu hướng tăng giá, thanh khoản cũng cũng cải thiện, đạt bình quân phiên gần 270.000 đơn vị trong tháng 9, gấp đôi mức bình quân năm.
Trong chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp, phía Tasa Duyên Hải từng giải trình do cung cầu của thị trường chứng khoán, công ty không có bất kỳ tác động nào. Hoạt động kinh doanh của đơn vị vẫn bình thường, ổn định.
Tuy nhiên, theo dõi hoạt động của công ty cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông trước nhịp tăng giá. Cuối năm 2022, công ty có 2 cổ đông lớn sở hữu tổng cộng hơn 8 triệu đơn vị (gần 43% vốn) là ông Nguyễn Duy Dinh và ông Đàm Mạnh Cường.
Ông Nguyễn Duy Dinh, cổ đông lớn nhất với sở hữu gần 22% vốn, liên tục bán ra cổ phiếu từ tháng 4 đến tháng 7. Nhà đầu tư này hạ tỷ lệ nắm giữ còn 4,4% tại ngày 29/6, không còn là cổ đông lớn.
Cùng chiều, cổ đông lớn thứ hai đồng thời là cựu chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) - ông Đàm Mạnh Cường thoái toàn bộ 20,6% vốn. Ông Cường đã bán 2,8 triệu đơn vị vào ngày 11/7 và 1,1 triệu cp còn lại vào 23/8.
Ở phía mua, một cá nhân báo cáo trở thành cổ đông lớn là ông Nguyễn Hoàng Nam. Ông Nam mua vào 2,8 triệu cổ phiếu vào 23/8, tương đương tỷ lệ 15,1% vốn. Chiếu theo giá thỏa thuận trung bình 7.500 đồng/cp tại cùng phiên, lượng cổ phiếu của ông Nam trị giá khoảng 21 tỷ đồng.
Dàn lãnh đạo cấp cao giàu kinh nghiệm chứng khoán, bất động sản
Cùng với biến động cổ đông lớn, Tasa Duyên Hải cũng chứng kiến sự “thay máu” dàn lãnh đạo. 3 cá nhân gồm ông Phạm Duy, ông Nguyễn Nam Hùng và ông Phạm Trần Ái Trung đã trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028 tại cuộc họp thường niên vào tháng 6 (các thành viên cũ kết thúc nhiệm kỳ).
Theo tìm hiểu, 3 lãnh đạo mới có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực tài chính - chứng khoán, bất động sản nhưng không nắm giữ cổ phiếu TCO.
Ông Phạm Duy được bầu vào HĐQT do cổ đông Đàm Mạnh Cường đề cử. Ông Phạm Duy sinh năm 1981 từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như Giám đốc kinh doanh Công ty hệ thống thông tin FIS, Giám đốc IB – Tư vấn tài chính doanh nghiệp của Chứng khoán VNDirect, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán của Chứng khoán MBS, Giám đốc ban đầu tư của Tập đoàn Thái Group & Tập đoàn Xuân Thành.
Hiện tại ông Duy là chủ tịch HĐQT tại CTCP Tư vấn & Đầu tư IR Việt Nam, CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát (Mã: HTP). Ông Duy tham gia In Sách Giáo khoa Hòa Phát từ năm 2020.
Thành viên thứ hai, ông Nguyễn Nam Hùng do nhóm cổ đông 3 người bao gồm ông Nguyễn Duy Dinh đề cử. Ông Hùng sinh năm 1980, từng tham gia ban điều hành tại các đơn vị như Vạn Phát Hưng, First Quality Management, Lotte Mart Vietnam, KITA Group. Ông Hùng hiện là Phó Tổng giám đốc KITA Group - một đơn vị trong lĩnh vực bất động sản. Ông Nguyễn Nam Hùng thôi chức Tổng Giám đốc củaTasa Duyên Hải từ ngày 14/9, người thay thế là ông Bùi Lê Quốc Bảo.
Thành viên thứ ba, ông Phạm Trần Ái Trung do nhóm cổ đông khác đề cử. Ông Trung sinh năm 1978 đã kinh qua các chức vụ như Quản lý Công ty kiểm toán RSM Việt Nam, Giám đốc tài chính CTCP Hữu Liên Á Châu, hiện đảm nhiệm Giám đốc tài chính của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phú Mỹ Quy Nhơn.
Về phần ông Đàm Mạnh Cường, đây là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể, ông Cường sinh năm 1984 có thời gian làm việc tại SCIC, Seaprodex, Viseri, VietinBank Capital, Chứng khoán Tiên Phong (Mã: ORS).
Tại Nhà Thủ Đức (Mã: TDH), ông đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc từ cuối năm 2021, trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản này gặp biến cố khi bị truy thu gần 400 tỷ đồng tiền thuế, bán công ty con, thu hẹp quy mô ngành nghề hoạt động. Tháng 6/2023, ông Đàm Mạnh Cường thôi chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Quản lý Quỹ Hợp Lực.
Dấu hiệu lấn sân sang mảng bất động sản và bóng dáng của nhóm Hưng Vượng Developer
Không chỉ thay đổi về cấu trúc cổ đông lớn và ban lãnh đạo, định hướng hoạt động kinh doanh củaTasa Duyên Hải cho thấy quyết định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Đây là kịch bản từng diễn ra tạiCTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát - tổ chức có mối liên hệ qua ông Phạm Duy.
Cuối tháng 6,Tasa Duyên Hải có khoản hợp tác đầu tư 54,1 tỷ đồng với CTCP Iris Land để góp vốn đầu tư, nhận và phân phối sản phẩm bất động sản tại dự án khu dân cư tỉnh Long An.
Iris Land là đơn vị phát triển dự ánIris Residence tạiCần Giuộc, Long An. Chủ đầu tư dự án này làCông ty TNHH Đầu tư - Kinh doanh Bất động sản Long Thượng Lộc. Long Thượng Lộc cũng hợp tác vớiCTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát tại dự án Hodota tại Hàm Tân, Bình Thuận và Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt - Venezia Beach. Tháng 8/2020, In Sách Giáo khoa Hòa Phát phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm để phát triển dự ánVenezia Beach.
Hưng Vượng Developer là đơn vị phát triển dự ánVenezia Beach. Báo cáo tài chính của In Sách Giáo khoa Hòa Phát cho thấy mối liên hệ của hai tổ chức thông qua phát triển dự án, khoản cho vay. Thông qua những mảnh ghép như ông Phạm Duy, Long Thượng Lộc,In Sách Giáo khoa Hòa Phát, nhà đầu tư có lý do để đặt câu hỏi về bóng dánh của nhóm Hưng VượngDeveloper tạiTasa Duyên Hải.
Trở lại với tình hình tài chínhTasa Duyên Hải, 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu trên 20 tỷ đồng, giảm đến 97% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế giảm 59% về còn 2,4 tỷ đồng.
Vào 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu công ty tăng cao nhờ hoạt động kinh doanh xăng dầu của CTCP Thương mại Dịch vụ Năng Lượng Hoàng Gia. Do đã thoái vốn vào cuối 2022 nênTasa Duyên Hải không còn doanh thu mảng này. Ngoài ra, Tasa Duyên Hải cho biết tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu sản xuất kinh doanh giảm do khách hàng không có đơn hàng nhập khẩu.
Tổng tài sản tính đến cuối tháng 6 đạt 324 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 84%, tương ứng với hơn 270 tỷ đồng. Một số khoản phải thu ngắn hạn lớn nhất ghi nhận đối với CTCP IRIS Land (lĩnh vực bất động sản, 54 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại TTRICE (lĩnh vực gạo, 30 tỷ đồng) và CTCP Thương mại Phát triển Gia Định (lĩnh vực logistics, 17 tỷ đồng), Công ty TNHH HV Investment (lĩnh vực logistics, 17 tỷ đồng).
Trong tháng 9 vừa qua, HĐQT đã thông qua một số nội dung đáng chú ý. Thứ nhất, công ty muốn chuyển nhượng toàn bộ gần 5 triệu cổ phiếu, chiếm 99% vốn tại công ty con Logistics Tasa Duyên Hải, với giá tối thiểu 10.000 đồng/cp (dự thu tối thiểu 49,5 tỷ đồng). Theo kế hoạch, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 10.
Chiều ngược lại, công ty sẽ nhận chuyển nhượng 1,8 triệu cổ phiếu, tương đương 90% vốn điều lệ của CTCP Dịch vụ vận tải An Gia từ cổ đông hiện hữu. Điều này nhằm mục đích đầu tư dài hạn, mở rộng ngành nghề và địa bàn kinh doanh. Giá trị khoản đầu tư đạt 18 tỷ đồng và cũng dự kiến thực hiện trong tháng 10.
Bên cạnh đó, Tasa Duyên Hải chốt ngày đăng ký cuối cùng họp ĐHĐCĐ bất thường vào 2/10. Công ty chưa tiết lộ thời gian tổ chức và nội dung chi tiết.