Quần áo hãy còn mướt mồ hôi sau khi đi sửa điều hòa cho khách về, anh Nam tranh thủ phút nghỉ trưa hiếm hoi để tiếp chuyện chúng tôi tại khu trọ. Anh bảo, bản thân cảm thấy rất ngại khi được gọi là “người hùng”. Hành động lao vào đám cháy để cứu người xuất phát từ bản năng, là điều bình thường mà ai ở trong hoàn cảnh đó cũng sẽ làm như thế.
Anh Trung Văn Nam được CATP Hà Nội vinh danh là một trong những điển hình tiên tiến phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023
Lao vào biển lửa cứu người
Phía sau những vụ cháy đó, ta vẫn thấy ấm lòng khi có những nạn nhân đã được cứu sống bởi những con người dũng cảm như anh Nam. Dù không được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, nhưng họ đã luôn đồng hành cùng lực lượng chức năng trong sứ mệnh cứu người và sẻ chia những đau thương, mất mát. Trái tim nhân hậu, vì cộng đồng là mạch nguồn của hành động dũng cảm, quên đi sự sợ hãi mang tính bản năng của mỗi người. Và những “người hùng” như anh Trung Văn Nam cũng sẽ mãi là những hình ảnh đẹp, là điều tử tế cần được lan tỏa trong cuộc sống. |
Trưa 12-1-2022, một vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại ngôi nhà 3 tầng ở số 107 ngõ 51, phố Lương Khánh Thiện, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngôi nhà này có kết cấu 2 tầng, 1 tum, trong đó phần tum được lợp bằng mái tôn và quây lồng sắt kiên cố, là nơi sinh sống của 2 cụ già và 2 cháu nhỏ. Anh Nam cho biết, khi đó anh đang ở phòng trọ ăn cơm cùng mọi người thì bất ngờ thấy có mùi khét cùng tiếng hô hoán dập lửa của người dân nên cũng chạy ra hỗ trợ. Thấy đám cháy xuất phát từ trên tầng, anh đã leo lên mái tôn nhà bên cạnh để tiếp cận được gần hơn. “Tôi chỉ nghĩ là cần lên cao để hỗ trợ mọi người đưa nước lên dập lửa chứ cũng không biết trong nhà có người” - anh kể lại.
Khi mở cửa sổ tầng 2 của ngôi nhà, anh Nam phát hiện có tiếng trẻ con kêu cứu yếu ớt từ bên trong. Một mặt tri hô nhờ sự giúp đỡ, một mặt anh cố gắng phá cửa để vào nhà. Lúc này lửa bùng lên rất mạnh, hơi nóng phả ra khiến anh càng thêm căng thẳng. Sau khi dùng tay giật khung sắt không được, anh đã dồn hết sức đạp bung ra.
“Khói bốc lên ngùn ngụt khiến tôi không nhìn thấy gì. Lúc xông vào tôi chỉ biết giơ tay khua khoắng mò mẫm thì may mắn chạm đúng cháu bé lúc này đã mềm nhũn. Mặc dù tôi cũng rất mệt, cháu bé thì khá nặng, tôi phải cố hết sức để kéo cháu ra. Khi chúng tôi thoát khỏi đó chừng 5 mét thì ngọn lửa bùng lên dữ dội. Đến giờ tôi vẫn cảm thấy 2 chú cháu đều may mắn. Mọi chuyện diễn ra chỉ trong vài phút”.
Bé gái được anh Nam giải cứu chỉ bị thương nhẹ. Hành động dũng cảm của anh khiến người nhà nạn nhân cũng như người dân sống xung quanh vô cùng cảm kích.
Hình ảnh cắt từ clip anh Nam phá cửa để cứu cháu bé ra khỏi đám cháy
Dũng cảm cũng cần kỹ năng và kiến thức
Đến thăm lại ngôi nhà bị cháy hôm đó, chúng tôi gặp ông Vũ Mạnh Cường (ông ngoại của cháu bé được anh Nam cứu) đang chuẩn bị nấu bữa trưa. Nhìn thấy anh Nam, ông Cường tay bắt mặt mừng và lên tiếng trách móc: “Nhà báo không biết đấy thôi, chứ tôi ghét thằng Nam lắm. Tôi bảo nó về đây ăn cơm thì nó từ chối, mời nó uống cà phê thì nó tranh trả tiền”.
Sau vụ cháy ngày hôm đó, anh Nam đã trở thành người thân trong gia đình ông. Ngôi nhà đã được sửa sang, gia cố lại, nhưng đến giờ ông Cường vẫn không khỏi sợ hãi khi nhớ lại ngày hôm đó: “Vợ chồng tôi đều đang ở ngoài sân nên không hề biết trong nhà có cháy. Đến lúc hàng xóm hô hoán mới giật mình nhìn lên tầng 2 thì lửa đã bốc rất lớn chặn hết lối lên. Thậm chí chúng tôi còn không biết là có cháu lớn đang ngủ ở trên đó vì tưởng cháu đang đi học. Nghe thấy anh Nam ở trên cao hô cứu người, tôi thấy anh ấy dùng hết sức đạp cửa và đưa được cháu ra ngoài. Anh ấy là ân nhân của gia đình chúng tôi”.
Anh Nam cười cho biết thêm, cũng may anh là thợ sửa điều hòa nên có thể leo trèo, tiếp cận những vị trí khó. Mặt khác, công việc này đòi hỏi phải có kiến thức về phòng cháy chữa cháy cũng như sử dụng điện an toàn để tự bảo vệ mình.
Bắt đầu từ hôm đó, mọi người gọi anh là “người hùng” Trung Văn Nam. Anh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thư khen của Chủ tịch nước, giấy khen của các cấp, địa phương... Đón nhận những phần thưởng, những ngợi khen, anh Nam rất cảm kích nhưng cũng cảm thấy ngại vì theo anh đó chỉ là một hành động bình thường: “Khi cứu cháu bé là tôi làm theo bản năng. Bất cứ ai gặp tình huống đó đều sẽ làm như thế, thậm chí còn làm tốt hơn tôi”.
Anh Trung Văn Nam và ông Vũ Mạnh Cường
Luôn có những “người hùng” giữa đời thường
Cuộc sống của anh Nam cũng bình thường như bao người thợ khác. Sinh ra trong một gia đình làm nông ở thôn Ngư Thôn Đại Bản, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, anh Nam là con út trong nhà. Do mẹ tuổi cao sức yếu, không làm được việc nặng, nên anh Nam luôn có ý thức tự lập để giúp đỡ gia đình. Làm nông ở quê vất vả mà chỉ đủ ăn nên học hết cấp 3 anh vào TP Hồ Chí Minh vừa đi học, vừa đi làm.
Anh tâm sự, bản thân đã làm rất nhiều nghề từ lái xe, bảo vệ... rồi đăng ký theo học ngành Kỹ thuật điện dân dụng của trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, sau đó ra Hà Nội làm thợ sửa chữa điều hòa để mưu sinh. Năm 2015, anh Nam lập gia đình và đến nay cả nhà đã có thêm 3 thành viên mới. Công việc vất vả và theo thời vụ nên anh cùng một số anh em thợ thuê trọ tại ngôi nhà ở ngõ 51 Lương Khánh Thiện làm nơi nghỉ ngơi sau những giờ ngược xuôi làm việc. Động lực để anh không ngừng chăm chỉ cố gắng là cuối tuần được về Thường Tín để thăm 4 mẹ con.
“Từ một người thợ sửa điều hòa vô danh, bây giờ đi đâu tôi cũng bị người ta nhận ra. Thậm chí nhiều người muốn bắt tay, chụp ảnh cùng, khách hàng cũng tin tưởng tôi hơn. Tôi cảm thấy ngượng nhưng cũng rất vui và ý thức hơn về trách nhiệm công dân của mình” - anh Nam nói.
Chưa kịp có một phút nghỉ ngơi, anh Nam phải dừng câu chuyện với chúng tôi để tiếp tục công việc của mình vì có khách gọi. Anh bảo, sau sự việc hôm đó, mình đã nhận được rất nhiều điều tốt đẹp. Nhưng chúng tôi lại nghĩ, đó là “quả ngọt” mà một trái tim dũng cảm xứng đáng được nhận.
Vừa qua, Hà Nội cũng xảy ra một số vụ cháy với những thiệt hại lớn về con người và tài sản. Nhưng phía sau những vụ cháy đó, ta vẫn thấy ấm lòng khi có những nạn nhân đã được cứu sống bởi những con người dũng cảm như anh Nam.
Dù không được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, nhưng họ đã luôn đồng hành cùng lực lượng chức năng trong sứ mệnh cứu người và sẻ chia những đau thương, mất mát. Trái tim nhân hậu, vì cộng đồng là mạch nguồn của hành động dũng cảm, quên đi sự sợ hãi mang tính bản năng của mỗi người. Và những “người hùng” như anh Trung Văn Nam cũng sẽ mãi là những hình ảnh đẹp, là điều tử tế cần được lan tỏa trong cuộc sống.