Ngày 23/8, Hội đồng quản trị VIX đã thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, ngày đăng ký cuối cùng là 12/9. Thời gian thực hiện dự kiến trong khoảng 20/9 - 16/10. Trong đó, công ty sẽ trình hai nội dung.
Thứ nhất, VIX muốn thông qua điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh năm 2023. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế điều chỉnh thành 1.150 tỷ đồng và 920 tỷ đồng, cùng tăng 70%, tương ứng với 380 - 474 tỷ đồng, so với kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã thông qua hồi tháng 4. Kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh này gấp 3 lần so với kết quả đã thực hiện năm 2022.
Thứ hai, công ty muốn cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm nay với tỷ lệ 10% (chưa đề cập cụ thể chia bằng tiền mặt hay cổ phiếu).
Tại cuộc họp thường niên 2023, cổ đông đã chấp thuận phương án chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu, tương đương với phát hành hơn 29 triệu đơn vị. Lợi nhuận còn lại chuyển sang 2023 đạt gần 228 tỷ đồng.
Song song với phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022, công ty cũng dự kiến phát hành hơn 58 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10%) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng số lượng dự kiến phát hành đạt trên 87 triệu đơn vị, đẩy vốn điều lệ tiến gần 6.700 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm, VIX báo doanhnh thu hoạt động đạt 960 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 576 tỷ đồng, tăng 76%. Với kết quả này, công ty đã vượt 7% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đề ra (540 tỷ đồng).
Tổng tài sản tại thời điểm 30/6 đạt trên 8.550 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, hơn phân nửa (55%) là tài sản tài chính FVTPL với khoảng 4.700 tỷ đồng. Mặt khác, công ty đang nắm khoản tiền gửi có kỳ hạn 2.000 tỷ đồng tại EVNFinance (Mã: EVF), được lãi suất 16%/năm, nhận lãi cuối kỳ. Như vậy, đặt một phép tính đơn giản, VIX có thể thu khoản lãi đến 320 tỷ đồng sau 1 năm (tại cuối kỳ).