Thị trường chứng khoán được dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tuần mới (từ 6 đến 10-6) - Ảnh: BÔNG MAI
Cả khối ngoại và tự doanh đều mua ròng tuần qua
Mặc dù thị trường chứng khoán trải qua giằng co rõ rệt, VN-Index khép lại tuần qua với mốc 1.287,98 điểm, tương đương chỉ nhích nhẹ 0,2% so với tuần liền trước.
Theo dữ liệu giao dịch, trong tuần cả khối ngoại và khối tự doanh của các công ty chứng khoán đều mua ròng trên thị trường chứng khoán.
Riêng khối ngoại đã mua ròng 3/5 phiên các cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM - HoSE. Tính tổng giá trị giao dịch trên ba sàn chính (HoSE, HNX và UPCoM), nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 2.120 tỉ đồng trong tuần qua, trái ngược với diễn biến bán ròng hơn 280 tỉ đồng xảy ra ở tuần liền trước.
Nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua ròng mạnh nhất ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND (gần 1.360 tỉ đồng). Bên cạnh đó, nhóm này cũng mua ròng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác, điển hình như các mã: FPT, DGC (Hóa chất Đức Giang), VHM (Vinhomes), CTG (Vietinbank), PNJ, IDC (Idico), BSR (Lọc hóa Dầu Bình Sơn)...
Đối lập khối ngoại bán ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30, các mã cổ phiếu THD (Nhà Thủ Đức), PLC (Hóa dầu Petrolimex), NTC (Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên)...
Khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng mua ròng tổng cộng gần 210 tỉ đồng trong tuần rồi. Mã IJC (Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật) dẫn đầu danh sách được khối tự doanh mua ròng với giá trị gần 82 tỉ đồng. Khối tự doanh cũng mua ròng các mã như GAS (PetroVietnam Gas), DCM (Đạm Cà Mau)...
Chiều ngược lại, nhóm tự doanh tập trung bán ròng ở HDG (Tập đoàn Hà Đô), EIB (Eximbank), PNJ...
Trạng thái tranh chấp
Bám sát diễn biến giao dịch, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Văn Huy - giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) - cho rằng hoạt động mua ròng của khối ngoại và tự doanh là điểm sáng trong tuần qua, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến bối cảnh chung. Bởi khối ngoại chỉ tập trung mua ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND - bao gồm những cổ phiếu có định giá không quá rẻ so với mặt bằng chung. Giá trị mua ròng của tự doanh lại không quá lớn so với thị trường chung.
Dự báo diễn biến giao dịch tuần mới (từ 6 đến 10-6), ông Huy nhận định áp lực điều chỉnh giảm vẫn còn rất lớn. Cụ thể, mặc dù thị trường gần đây nhận được nhiều thông tin tích cực liên quan đến việc nâng xếp hạng tín nhiệm, hay gói hỗ trợ kích thích phục hồi kinh tế, tin tiêu cực vẫn chiếm ưu thế.
Áp lực của thị trường chứng khoán đến từ việc thanh khoản đang ở mức thấp, kèm theo nhiều thông tin không mấy khả quan, như giá dầu tăng cao gây nên áp lực lạm phát, vào tháng 6 này FED (Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ) họp - khả năng cao tăng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine vẫn âm ỉ...
Về chiến lược, ông Huy cho rằng những nhà đầu tư đang "kẹp" hàng có thể xem xét tái cơ cấu danh mục, bán bớt cổ phiếu có triển vọng xấu, hoặc mang tính đầu cơ cao, hay thuộc nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát.
Đối với nhà đầu tư đang cầm tiền, có thể canh nhịp thị trường ở mức thấp để nhảy vào, nhưng không mua đuổi bằng mọi giá mà nên giải ngân từ từ.
Diễn biến giao dịch tuần mớ, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng: "Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục trạng thái tranh chấp khi bước vào phiên giao dịch tiếp theo nhưng với động thái thận trọng của dòng tiền, thị trường vẫn đang tiềm ẩn rủi ro suy yếu trong thời gian tới".
Với quan điểm này, Rồng Việt khuyến nghị nhà nhà đầu tư hạn chế mua, tạm thời ưu tiên chốt lời và cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Dự báo tuần mới của phía Chứng khoán Tân Việt (TVSI) lại có phần lạc quan hơn, khi giữ quan điểm về kỳ vọng chỉ số VN-Index hồi phục lên vùng 1.350-1.370 điểm. Phía công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục theo chiến lược hạ tỉ trọng với các cổ phiếu đã có dấu hiệu tạo đỉnh của nhịp hồi phục.