Tài chính

Mọi loại hàng hoá đều rơi vào “cơn bão giá”, người Mỹ mua sắm thế nào trước lạm phát cao nhất 40 năm?

Thắt lưng buộc bụng

Hơn 8 trong số 10 người tiêu dùng nước này đang có kế hoạch suy nghĩ lại hoặc cắt giảm chi tiêu đối với các sản phẩm họ mua trong 3-6 tháng tới, theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường The NPD Group. Marshal Cohen - trưởng bộ phận có vấn mảng bán lẻ của NPD, cho biết: "Người tiêu dùng phải đấu tranh giữa quyết định mua thứ họ muốn và cần vì giá cả tăng cao."

Khi giá cả tại các cửa hàng tiếp tục đi lên, các chuyên gia về hành vi tiêu dùng cho biết nhiều người đã thực hiện 3 cách để thay đổi. Họ mua hoặc chuyển sang những lựa chọn giá rẻ hơn. Họ chủ yếu ngừng chi tiêu cho những thứ không cần thiết như ăn uống bên ngoài. Tuy nhiên, họ thích những loại hàng hóa mang đến niềm vui như hoa và nến.

Hơn nữa, khi đến cửa hàng để mua hàng hóa cần thiết, Cohen cho biết người mua không chỉ giảm số lượng mà họ còn ít "mua sắm bốc đồng" hơn. Ví dụ, các cửa hàng tạp hóa thường muốn lôi kéo khách hàng mua kẹo cao su hoặc ô tô đồ chơi trong khi đang mua thực phẩm và đồ gia dụng. Song, điều này đã không còn có tác dụng trong thời kỳ lạm phát.

Cohen cho biết, các siêu thị lớn như Walmart đang gặp khó khăn khi các hộ gia đình mua sắm ít đi và mua ít đồ hơn trong mỗi chuyến đi mua đồ. Dữ liệu của NPD cho thấy, người tiêu dùng mua ít hàng hóa thông thường hơn trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng hóa họ mua tại các chuỗi siêu thị lớn thấp hơn 6% so với 1 năm trước, tần suất đi mua sắm cũng giảm 5% trong quý trước.

Trong báo cáo tài chính quý trước, Walmart cho biết lạm phát đã thay đổi cách mua sắm của khách hàng khi họ chuyển sang các sản phẩm sữa và thịt của các thương hiệu rẻ hơn, mua ít hàng hơn trong mỗi lần đến siêu thị và né tránh các mặt hàng không cần thiết.

Target cũng đề cập đến vấn đề tương tự. Công ty này cho biết người tiêu dùng đang hạn chế mua đồ gia dụng, nội thất, TV và các thiết bị nhà bếp không cần thiết.

Thậm chí, các cửa hàng giá rẻ như cửa hàng đồng giá 1 USD cũng lưu ý người tiêu dùng đang rất cẩn trọng trước "cơn gió ngược" lạm phát. Dollar General cho biết khách hàng đang mua sắm "có chủ đích" hơn tại các cửa hàng của họ, tìm đến những sản phẩm có giá thấp hơn.

Cohen lưu ý, sự thay đổi của nhóm khách hàng thu nhập thấp cũng thúc đẩy sự thay đổi này. Theo ông, họ đã chi tiêu thoải mái hơn với các loại hàng hóa không cần thiết trong thời kỳ đại dịch nhờ gói kích thích của chính phủ. Giờ đây, điều đó đã thay đổi và họ phải thay đổi hành vi mua sắm.

Ông cho biết thêm, người tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm chi tiêu trong năm nay. Họ sẽ hạn chế đi ăn uống ở ngoài, đăng ký gói thành viên ở phòng gym và các dịch vụ làm móng. Cohen nói: "Với hoạt động ăn uống ở nhà hàng hạng sang, mọi thứ có thể sẽ không quay trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2025."

Vậy, người tiêu dùng Mỹ còn ngừng mua loại mặt hàng nào? Họ đã mua khá nhiều thứ trong thời kỳ đại dịch mà hiện tại chưa cần nâng cấp hay mua thêm. Theo Cohen, nhiều người đã mua nồi chiên không dầu vì thường xuyên nấu nướng tại nhà trong thời kỳ đại dịch. Bởi vậy, họ không cần mua thêm chiếc khác, giống như TV.

Vẫn không tiếc tiền cho những món đồ mang đến "niềm vui nho nhỏ"

Tuy nhiên, giữa xu hướng thắt lưng buộc bụng này, hành vi của người tiêu dùng lại có một nghịch lý đó là chi tiêu cho thứ gọi là "những món đồ nho nhỏ".

Chuck Howard - trợ lý giáo sư marketing tại Trường kinh doanh Mays, cho biết, việc mua những loại hàng hóa như vậy tùy thuộc vào mỗi người và khả năng tài chính của họ. Đối với một số người, họ có thể thích một hũ nến thơm, còn một số khác thì đó có thể là một thanh sô cô la ở quầy thanh toán.

Howard cho hay: "Thật tuyệt khi đắm mình 20 phút với những sản phẩm yêu thích vào cuối ngày làm việc, khi bạn thường xuyên lo lắng về các loại hóa đơn trong nhiều tháng. Đây có thể là lý do tại sao doanh số bán các sản phẩm như tinh dầu thơm và nến đang tăng khá tốt."

Các giám đốc điều hành của Bath & Body Works - hãng bán xà phòng, xịt người, sữa tắm và nến nổi tiếng, gọi những sản phẩm này là "sang trọng nhưng giá phải chăng". Họ cho biết khách hàng vẫn tiếp tục mua những mặt hàng này, khi doanh số bán xà phòng và ổ cắm tinh dầu thơm tăng trong quý trước.

Xu hướng này được gọi là "hiệu ứng son môi", khi người dùng chi tiêu cho hàng hóa nhỏ, xa xỉ như nước hoa hay đồ làm đẹp cao cấp ngay cả trong thời kỳ suy thoái, theo Priya Raghubi - giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Stern thuộc NYU. Bà dự đoán chi tiêu cho một số hàng hóa "mang đến niềm vui" lớn hơn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Raghubir nhận định: "Sự khác biệt với chu kỳ lạm phát lần này là chúng ta đang bước ra khỏi đại dịch nên nhu cầu bị kìm nén là khá lớn. Họ đã mơ về một kỳ nghỉ trong hơn 2 năm, muốn được tổ chức các sự kiện lớn với gia đình và bạn bè. Hoạt động du lịch và giải trí sẽ không suy thoái."

Dẫu vậy, việc sẵn sàng mua những loại hàng hóa này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải từ bỏ một số thứ khác, Neil Saunders - nhà phân tích bán lẻ và CEO của GlobalData Retail, cho biết. Ông nói thêm: "Về cơ bản, đây là lúc họ phải đưa ra lựa chọn. Nếu mua 1 thứ, họ sẽ không đủ tiền mua thứ còn lại."

Ông cho biết, việc phải đưa ra lựa chọn này sẽ còn tiếp tục và thậm chí còn khiến người tiêu dùng căng thẳng hơn. Saunders giải thích: "Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của lạm phát. Nếu việc giá cả tăng cao kéo dài hơn, thì sự thay đổi sẽ rõ ràng hơn, khi đó hoạt động chi tiêu sẽ được cắt giảm mạnh và nhanh hơn nữa."

Tham khảo CNN

Cùng chuyên mục

Đọc thêm