Tài chính

Chủ tịch ABBank: Ngân hàng bồi thường 223 tỷ cho FWD, không ép khách hàng mua bảo hiểm

Chủ tịch ABBank: Ngân hàng bồi thường 223 tỷ cho FWD, không ép khách hàng mua bảo hiểm - Ảnh 1.

Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tại đại hội, cổ đông đã đưa ra câu hỏi đối với lãnh đạo ngân hàng về hoạt động bán bảo hiểm trong thời gian tới khi NHNN đang siết chặt kiểm soát dịch vụ này.

Phản hồi câu hỏi của cổ đông, Chủ tịch ABBank Đào Mạnh Kháng cho biết, kết quả kinh doanh 2022 không đạt kế hoạch có nguyên nhân lớn đến từ phí bảo hiểm không như kỳ vọng. Theo đó, ABBank có mục tiêu thu được khoản phí trả trước lớn từ đối tác bảo hiểm. Tuy nhiên, năm 2022 ngân hàng không lựa chọn được đối tác bảo hiểm để có khoản thu, thậm chí phải trả khoản phí 223 tỷ cho FWD.

Năm 2023, chiến lược của ABBank là lấy khách hàng là trọng tâm nên ngân hàng sẽ không ép khách hàng mua những sản phẩm không muốn mua.

"Chúng ta đã có những khối thúc đẩy bán và công cụ mới để hiểu nhu cầu khách hàng. Chỉ những khách hàng có nhu cầu chúng ta mới chào các sản phẩm bán bảo hiểm", Chủ tịch ABBank nhấn mạnh.

Theo ông Kháng, với chiến lược lấy khách hàng là trọng tâm, ABBank sẽ không ép khách hàng và chỉ cung những sản phẩm mang lại giá trị cho khách hàng.

Chủ tịch ABBank cũng nhận định việc NHNN cấm các ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm là rất chính xác nhằm tăng niềm tin cho thị trường.

Bên cạnh đó, ông Kháng cho rằng, bảo hiểm là sản phẩm rất tiên tiến trên thị trường. Sản phẩm này không mất đi được và là giải pháp tài chính hữu hiệu cho khách hàng, nhu cầu về sản phẩm này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

"Mục tiêu của chúng ta là cung cấp các sản phẩm đúng nhu cầu của khách hàng chứ không ép khách hàng sử dụng dịch vụ", ông Kháng cho hay.

Trước đó,  năm 2022, ABBank đã không đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Bên cạnh các nguyên nhân mang tính vĩ mô, năm vừa qua ngân hàng phát sinh chi phí bồi thường khi chấm dứt hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ với đối tác cũ không đảm bảo quyền lợi cho ABBank.

Những yếu tố này đã làm sụt giảm lợi nhuận toàn hệ thống ABBank trên 1.000 tỷ đồng, trong khi chưa có giải pháp hiệu quả về nguồn thu thay thế để bù đắp. Một số chỉ tiêu quy mô, hiệu quả còn khoảng cách tương đối so với các chỉ tiêu định hướng của Kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2025.

Trong khi phải trả khoản bồi thường khi chấm dứt hợp đồng với đối tác cũ trước hạn, ABBank chưa có sự chuyển đổi liên tục trong hợp tác với đối tác kinh doanh bảo hiểm mới dẫn đến không có doanh thu phí bảo hiểm năm qua.

Được biết, FWD từng là đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền của ABBank. Hai bên ký kết thỏa thuận bancassurance vào năm 2016 với thời hạn 15 năm. Tuy nhiên, đến 2022, mối hợp tác này đã chính thức kết thúc. Thay vào đó, tháng 12/2022, ABBank có đối tác mới khi công bố hợp tác chiến lược với Dai-ichi Life Việt Nam.

Bà Lê Thị Bích Phượng - Tổng Giám đốc ABBank cho biết, việc thay đổi đối tác bảo hiểm nhằm tối đa lợi ích cho khách hàng và cổ đông. Theo đó, mức thu nhập từ thỏa thuận bảo hiểm với đối tác mới gấp đôi so với đối tác cũ.

Chủ tịch Đào Mạnh Kháng cho biết thêm, ABBank đã phải đền bù hơn 200 tỷ cho đối tác bảo hiểm cũ. Việc phải bồi thường khiến kết quả kinh doanh năm 2022 bị ảnh hưởng. Trước đó, khoản thu bất thường từ hợp đồng bảo hiểm này đã tính vào lợi nhuận của các năm trước.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm