Việc điều chỉnh giá điện vừa được TTXVN thông tin, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được văn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc hướng dẫn thực hiện tăng giá bán lẻ điện.
Bộ Công Thương cho biết, yêu cầu EVN thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Việc tăng giá điện thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là không giật cục, có lộ trình, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị EVN thực hiện điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 ở mức tối đa 3% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và thời điểm điều chỉnh sau dịp nghỉ lễ 30/4-01/5/2023.
Để thực hiện tăng giá điện, EVN được yêu cầu khẩn trương rà soát toàn bộ các yếu tố đầu vào, cơ cấu chi phí, xác định rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của tình trạng tài chính hiện nay, thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện, cải thiện tình hình tài chính, bao gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Tập đoàn cũng được yêu cầu xây dựng đề án truyền thông tổng thể, toàn diện, bảo đảm thuyết phục, hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội. Cùng đó, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chương trình vận động, tuyên truyền thực hành tiết kiệm điện; phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn xã hội và các đơn vị thành viên của EVN..
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2021 và năm 2022 mới đây, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho biết, năm 2022, do bị lỗ hơn 26.000 tỷ đồng nên sức ép tăng giá điện đang ngày càng lớn.
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, EVN bị lỗ 26.000 tỷ đồng do giá than trộn trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc năm 2022 đã tăng bình quân từ 34,7 - 46,4% so với giá than trộn bình quân từng loại của năm 2021, làm tăng chi phí của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.
Cùng đó, giá than nhập khẩu năm 2022 lên tới 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với năm trước đó. Đặc biệt, riêng thời điểm tháng 4, giá than thế giới tăng vọt lên tới 705,4 USD/tấn, tăng 411% so với mức bình quân của năm 2021.
Giá khí cũng tăng 27,4% trong khi tỷ giá tăng tổng cộng 495,3 đồng/USD, tương ứng tăng 2,2% so với bình quân năm 2021 khiến doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ, gặp vô vàn khó khăn khi chi phí mua điện từ các nhà máy từ nhiệt điện khí, nhiệt điện than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo tăng cao.
Theo ông Hoà, hiện EVN đã xây dựng phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ Công Thương đang phối hợp các cơ quan liên quan để rà soát và lên phương án phù hợp hài hòa lợi ích, đảm bảo tình hình tài chính của EVN và các mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, năm 2022 là năm rất khó khăn của tập đoàn khi bị lỗ rất lớn. Bản thân tập đoàn đã nỗ lực rất lớn để khắc phục khó khăn. Do khủng hoảng nhiên liệu đầu vào của thế giới năm 2022, gồm cả khí, than và dầu, chi phí đầu vào của EVN tăng rất cao. Trong đó, giá than có những giai đoạn tăng gấp 4 lần so với năm 2021, giá dầu tăng gấp đôi khiến chi phí sản xuất điện tăng rất mạnh.
“Khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng chưa hạch toán vào giá điện như vậy là rất lớn nhưng do yếu tố đảm bảo an sinh xã hội nên chưa đưa khoản này vào chi phí giá thành điện”, ông Nam cho hay.