Nhìn lại 2022, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến khá nhiều sự kiện nổi bật. Sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4 (cuối năm 2021 - đầu năm 2022), thị trường dần sôi động khi lượng giao dịch và giá bán một số khu vực không ngừng tăng dẫn đến tình trạng sốt đất trên diện rộng. Cùng với đó là sự kiện UBND TP HCM hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm.
Bên canh đó, chính sách kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và động thai tăng lãi suất cho vay của các nhà băng đã ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Công tác thanh kiểm tra và xử lý sai phạm trên diện rộng đối với nhiều doanh nghiệp nhằm lành mạnh hóa thị trường, trong ngắn hạn đã có những tác động rất lớn về đối với tâm lý và niềm tin thị trường.
Đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường, thanh khoản, nguồn vốn,…, hàng loạt chủ đầu tư đã chủ động tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, điều chỉnh chiến lược, điều chỉnh giá sản phẩm, tái cấu trúc danh mục tài sản, bán bớt tài sản để mua lại trái phiếu trước hạn,…
Cũng trong năm vừa qua, nhiều chính sách, dự thảo nổi bật cũng được ban hành và nhận được sự quan tâm của người dân. Đơn cử như đề xuất chính sách sở hữu chung cư có thời hạn; đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2; bỏ khung giá đất, xác định theo giá thị trường,…
Chính sách “nắn” lại dòng tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là một trong những điểm nóng được bàn thảo nhiều trong năm 2022. Nhiều chủ đầu tư và khách hàng đều kỳ vọng chính phủ có động thái mạnh mẽ hơn trong việc nới "room" tín dụng, kiểm soát lãi suất cho vay đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, kỳ vọng chính quyền đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ pháp lý dự án, các công trình cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh triển khai sẽ là những trợ lực cho thị trường trong thời gian tới.
Còn về phía khách hàng, đặc biệt là những người có nhu cầu mua ở thực mong muốn giá bán được đưa về mức hợp lý, đi kèm với đó là chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân hàng và chủ đầu tư.
Xung lực từ chính sách
Năm 2023, thị trường bất động sản còn kỳ vọng rất lớn vào các chính sách đang được tiếp tục triển khai. Có thể kể đến Nghị quyết 43 (gói 350.000 tỷ đồng) và Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022-2023 để thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành của nền kinh tế; hỗ trợ người dân thu nhập thấp sở hữu nhà thông qua gói hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản (tương tự gói 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013 - 2016).
Trong trường hợp các chỉ đạo ưu tiên giải ngân các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, gỡ vướng các dự án chậm triển khai được xử lý sớm sẽ là tiền đề để khơi thông nguồn vốn và pháp lý cho thị trường. Đồng thời, việc hoàn thiện hệ thống luật liên quan bất động sản (Luật Nhà ở, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi,...) sẽ góp phần gỡ điểm nghẽn chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng từ nội tại quốc gia và diễn biến chung của thế giới. Theo đó, khả năng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm lại trong năm 2023, nhưng vẫn tăng trưởng gần bằng mức trước dịch là từ 2,2 - 3%.
Chính phủ Việt Nam tích cực áp dụng nhiều công cụ để tạo động lực tăng trưởng cũng sẽ là lực đẩy lớn cho diễn biến phục hồi nền kinh tế, kiểm soát lạm phát cũng như đẩy mạnh đầu tư công và cơ cấu, hoàn thiện thể chế pháp lý. Những yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy bức tranh kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản năm 2023 nói riêng bước qua khó khăn.
“Hiện nay, Thủ Tướng đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế chính sách, giải pháp biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, cần bắt tay nhanh chóng khẩn trương để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong năm 2023, giúp thị trường phục hồi”, chuyên gia nhấn mạnh.
Vị này cũng nhận định, bối cảnh hiện nay rất khác so với giai đoạn cách đây 10 năm. Tâm lý sợ trách nhiệm hiện nay cũng rất khác so với cách đây 10 năm và đây là một cái khó. Nếu tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc thì thị trường bất động sản sẽ phục hồi rất nhanh bởi lực cầu còn rất lớn.
Chuyên gia dự báo, thị trường địa ốc có khả năng sẽ phục hồi dần dần từ quý IV/2023, nhưng sẽ phục hồi một cách từ từ chứ không có chuyện bùng phát trở lại. Bởi có rất nhiều vướng mắc hiện nay cần phải có thời gian mới xử lý được, tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cần thời gian để hồi phục.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2023 vẫn phải rất thận trong bối cảnh thị trường đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài khi kinh tế thế giới nhiều bất ổn. Trong nước, thị trường bất động sản không khủng hoảng mà chỉ là xấu đi do một số điểm nghẽn. Theo quan sát của vị này, các nhà đầu tư đang trực chờ cơ hội để xuống tiền. Nếu khó khăn vướng mắc được tháo gỡ thì thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng.
"Việc Chính phủ thành lập Tổ công tác cũng chính là đã nhìn thấy các vấn đề, điểm nghẽn trên thị trường bất động sản. Và nhiệm vụ của Tổ Công tác là phải tìm ra giải pháp để gỡ các điểm nghẽn, trong đó có điểm nghẽn về pháp lý và tín dụng. Nếu xử lý được các điểm nghẽn thì quý II/2023, dự báo các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn", ông Đính nhận định.