Bất động sản

Quảng Nam ‘hút’ vốn FDI vào kinh tế xanh

Doanh nghiệp FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 8.600 doanh nghiệp, 964 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 242.000 tỷ đồng, 194 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD, các dự án này chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực: công nghệ chế biến - chế tạo, du lịch - dịch vụ…

Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó: Hàn Quốc là đối tác có số lượng dự án FDI nhiều nhất với 56 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 824,8 triệu USD; Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 10 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 4,12 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, hầu hết các dự án FDI vào Quảng Nam đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Theo thống kê, hiện có 168 doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, tổng doanh thu các doanh nghiệp FDI là 25.112 tỷ đồng, tăng 61,12% so với năm 2020.

Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng có 6/13 ngành có doanh thu năm 2021 so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có lãi trước thuế khoảng 36,25% cao hơn so với năm 2020; đóng góp vào ngân sách khoảng 1.300 tỷ đồng, giải quyết khoảng 56.000 lao động trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong 10 tháng 2022, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 1.074 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị nhập khẩu đạt hơn 772 triệu USD, tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2021.

Quảng Nam ‘hút’ vốn FDI vào kinh tế xanh - Ảnh 1.

Quảng Nam định hướng phát triển các khu công nghiệp mới theo hướng xanh, sinh thái. Ảnh: Thành Vân.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp FDI lớn đi vào hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô; nguyên vật liệu và phụ liệu, hóa chất phục vụ sản xuất ngành may mặc; linh kiện điện tử phục vụ ngành điện - điện tử. Đặc biệt, riêng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, trên địa bàn tỉnh có khoảng 26 dự án hoạt động tập trung trong các khu công nghiệp, trong đó có 13 doanh nghiệp FDI.

"Bên cạnh Tập đoàn THACO, những năm gần đây tỉnh cũng đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư trong lĩnh vực này như: Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô CTR Vina với vốn đầu tư 27 triệu USD (Hàn Quốc); Nhà máy phụ trợ ô tô bằng đùn chất dẻo với vốn đầu tư 10,3 triệu USD (Hàn Quốc); Nhà máy sản xuất vải túi khí của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam với vốn đầu tư 35 triệu USD (Hàn Quốc); Nhà máy sản xuất mô tơ phanh bơm chân không bằng điện tử của xe ô tô với vốn đầu tư 5 triệu USD (Hàn Quốc)…", ông Quang thông tin.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, hiệu quả kinh tế do nguồn lực FDI mang lại chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Nam. Năm 2021, vốn đầu tư FDI chiếm khoảng 22,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tuy nhiên, cơ cấu GRDP, khu vực kinh tế FDI chỉ chiếm khoảng 5,5% trong quy mô nền kinh tế của tỉnh. Và chỉ đóng góp ngân sách năm 2021 chiếm khoảng 5% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, cho thấy hiệu quả đầu tư FDI không tốt hơn mặt bằng chung của nền kinh tế.

Hướng đến kinh tế xanh

Theo quy hoạch đến 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam sẽ phát triển thêm khoảng 20.000ha cụm công nghiệp và khu công nghiệp. Những khu công nghiệp mới sẽ phát triển theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường. Trong đó, tỉnh đã và đang quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh ít xử dụng lao động.

Trao đổi với Tạp chí Nhà đầu tư, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch...

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút và nghiên cứu cơ chế sử dụng vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.

"Thu hút đầu tư các dự án mới phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa; không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường", ông Bửu nói và cho biết thêm, tỉnh cũng ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, logisctics; hình thành các khu phi thuế quan, các sàn giao dịch mang tầm cỡ quốc tế. Phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực miền Trung.

Theo ông Bửu, trong thời gian tới tỉnh sẽ hợp tác với các đơn vị, Viện nghiên cứu, các Công ty tư vấn, môi giới đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xu hướng đầu tư của đối tác đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore....

"Chủ động tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư trực tiếp đối với các đối tác, ưu tiên các đối tác từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA...) như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bàn, Hàn Quốc, Singapore...; các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị…", ông Bửu thông tin.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam hồi tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian tới, Quảng Nam cần kế thừa thành quả đã đạt được, tiếp bước thành công của các thế hệ đi trước để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Đặc biệt, nghiên cứu, tìm tòi để tự tạo ra tiềm năng mới, động lực mới, cơ hội mới nhằm thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phát triển "xanh", nhanh và bền vững.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan để đề xuất, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách; tháo gỡ vướng mắc và xử lý, khắc phục cho được những hạn chế, bất cập, các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm