Trong đợt giao dịch mùa Xuân năm nay, chiếc bình của Trung Quốc từ thế kỷ 18 được đặt nhiều kỳ vọng trong nhóm Tác phẩm nghệ thuật và gốm sứ trọng yếu của Trung Hoa tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong.
Chiếc bình cao 52,7 cm, nằm trong bộ sưu tập của Viện Nghệ thuật Munson-Williams-Proctor (New York, Mỹ). Ước tính giá đấu thành công sẽ trong khoảng 3,8 - 6,3 triệu USD (tương đương đến 144 tỷ đồng) tại phiên 30/5 tới đây.
Chiếc bình doucai cỡ lớn hàng hiếm, còn sót lại từ thời Càn Long sắp được mang đấu giá.
Chiếc bình được xử lý theo kỹ thuật tráng men doucai riêng có của Trung Quốc từ thế kỷ 15. Những tác phẩm này rất hiếm và được các nhà sưu tập đánh giá cao.
Màu sắc tương phản của doucai xuất hiện trong quá trình nung. Đầu tiên, nghệ nhân phác thảo thiết kế tráng men màu xanh lam trên đồ sứ, sau đó món đồ sứ được nung trong lò ở nhiệt độ cao. Sau đó sứ được nung lại ở nhiệt độ thấp hơn.
Trong thế kỷ 18, Hoàng đế Càn Long (trị vì từ năm 1735-1796) đã ngưỡng mộ các đồ gốm sứ từ các triều đại trước và ủng hộ sản xuất chúng phát triển mạnh mẽ. Đồ sứ doucai thời điểm này bắt chước các sản phẩm từ thế kỷ 15, đa số chúng là những đồ vật nhỏ hơn như chén, đĩa, bát và lọ đựng. Nhưng tác phẩm có kích thước lớn, có trang trí bằng doucai, như chiếc bình này rất hiếm.
Bình được tráng men tinh xảo, bình có họa tiết bốn hoa sen xen kẽ với những bông sen nhỏ hơn ở trên, kèm bốn biểu tượng mạ vàng trên thân. Đây là biểu tượng phổ biến của Phật giáo về sự may mắn. Kết hợp với hoa tiết cây lá đan xen.
Chiếc cổ thắt lưng cao được trang trí hai bên với hoa sen. Ở giữa là một huy hiệu mạ vàng, phía trên có một cụm nấm linh chi (một mô-típ phổ biến trong các dịp sinh nhật của Hoàng gia). Tất cả được đặt trên các cuộn lá và được bao bên trên và bên dưới bởi các dải đầu. Hai bên cổ có một đôi tay cầm hình rồng với đuôi được tô màu đỏ sắt và được mạ vàng tinh xảo. Những biểu tượng này đại diện cho các chủ đề khác nhau - chẳng hạn như hạnh phúc, điềm lành và thịnh vượng.
Ít có bình doucai có kích thước lớn như vậy từ thời Càn Long còn sót lại đến nay. Một chiếc bình Càn Long đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Walters, Baltimore, có hình dạng khác nhưng cũng có tay cầm, trang trí và kích thước tương tự. Nó cao 49,1 cm, được trang trí bằng các biểu tượng đám mây tốt lành, dơi, cá - những biểu tượng tốt lành của Phật giáo .
Ảnh: The Value