Tài chính

Phó TGĐ VPBank: “Cần tăng cường công nghệ cho phòng, chống rửa tiền”

Xin chúc mừng VPBank đã xuất sắc giành giải thưởng "Model Risk Manager" của CELENT về những thành quả đạt được trong quản trị rủi ro nhờ công nghệ. Ông có thể bật mí về lý do dẫn đến quyết định đầu tư công nghệ cho lĩnh vực này của VPBank?

Đó là trong những năm gần đây, các bản báo cáo đánh giá đa phương của Nhóm châu Á -Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đã chỉ ra nhiều thiếu sót, lỗ hổng liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền - tài trợ khủng bố - tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PCRT/TTKB/TTPBVK) tại Việt Nam. Để khắc phục các nội dung tại các bản đánh giá này, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực ban hành và triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật cũng như xiết chặt hơn các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Nắm bắt được tầm quan trọng cũng như tinh thần phát triển cơ chế PCRT tại Việt Nam, đồng thời, với tư cách là Ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam,VPBank nhận thấy cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống công nghệ tiên tiến nhằm kiểm soát những rủi ro pháp lý, rủi ro tuân thủ, rủi ro tài chính và rủi ro danh tiếng tiềm ẩn đang và sẽ phát sinh trong tương lai. 

Thông qua việc đầu tư này, VPBank luôn mong muốn minh bạch hóa, nâng cao chất lượng, tăng cường quản trị, an toàn hệ thống, đảm bảo phát triển, tăng trưởng ổn định, bảo vệ quyền lợi, dịch vụ cho khách hàng một cách tốt nhất. VPBank cam kết và khẳng định tuân thủ và chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật, chuẩn mực về PCRT.

Vậy VPBank đã lựa chọn sử dụng hệ thống công nghệ nào và tại sao?

Qua quá trình dài thử nghiệm, nghiên cứu và sàng lọc từ các mô hình công nghệ hiện đại, chúng tôi đã quyết định lựa chọn Hệ thống ứng dụng phân tích dịch vụ tài chính của Oracle (OFSAA) - một công ty hàng đầu về phát triển phần mềm trên thế giới.

Đây là hệ thống công nghệ thông tin có uy tín thuộc top đầu về phòng, chống rửa tiền, được các tổ chức tài chính lớn thuộc hiệp hội Wolfsberg (nhóm 13 ngân hàng lớn toàn cầu hoạt động nhằm mục đích phát triển các khuôn khổ và hướng dẫn quản lý rủi ro liên quan đến tội phạm tài chính) như Barclays, HSBC, J.P. Morgan Chase, Citi Group...sử dụng. Tại Việt Nam, VPBank là ngân hàng nội địa tiên phong triển khai hệ thống này. 

Hệ thống này gồm 04 cấu phần chính là Customer Screening (hỗ trợ tra soát thông tin Khách hàng vãng lai thực hiện giao dịch), Transaction Filtering (hỗ trợ tra soát thông tin các giao dịch thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại), KYC (hỗ trợ công tác nhận biết kkhách hàng) và AML (hỗ trợ giám sát giao dịch của Khách hàng theo các kịch bản về dấu hiệu đáng ngờ).

Từ lúc áp dụng OFSAA, VPBank đã ghi nhận hiệu quả như thế nào so với thời điểm trước đó?

OFSAA đã đáp ứng toàn bộ các mục tiêu mà ngân hàng hướng tới. Hệ thống giúp thực hiện toàn bộ các tác vụ liên quan đến PCRT/TTKB/TTPBVK, tuân thủ cấm vận và trừng phạt trên 01 nền tảng thay vì phải sử dụng nhiều hệ thống phân tán như trước đây. 

Với sự hỗ trợ của hệ thống, VPBank đã có thể tự động hóa hầu hết biện pháp nhận biết khách hàng trong PCRT, giảm thời gian xử lý giao dịch cho khách hàng, đồng thời, hỗ trợ phối hợp hiệu quả với cơ quan chức năng trong quá trình phòng, chống, xử lý các đối tượng nằm trong danh sách đen.

Phó TGĐ VPBank: “Cần tăng cường công nghệ cho phòng, chống rửa tiền” - Ảnh 1.

OFSAA giúp giảm thời gian giao dịch cho khách hàng

Đối với vấn đề tra soát các giao dịch theo danh sách PCRT, cấm vận, trừng phạt, TTKB và TTPBVK, hệ thống OFSAA không những giúp tăng cường khả năng phát hiện các rủi ro với thuật toán có độ chính xác cao theo hình thức tự động 100% mà còn rút ngắn tới 80% thời gian xử lý so với trước kia.

Cụ thể OFSAA góp phần giảm thời gian xử lý giao dịch cho khách hàng như thế nào, thưa ông?

Với vai trò là tổ chức báo cáo theo pháp luật về PCRT, tổ chức có cam kết mạnh mẽ tuân thủ các yêu cầu PCRT/TTKB/TTPBVK với đối tác và nhà đầu tư, trong quy trình thiết lập quan hệ, duy trì tài khoản hay thực hiện giao dịch, VPBank luôn nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp KYC, tra soát giao dịch của khách hàng theo các danh sách đen, giám sát giao dịch của khách hàng nhằm phát hiện các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ...

Trong số các biện pháp tuân thủ này, nhiều biện pháp được quy định là các bước bắt buộc phải được thực hiện và hoàn tất trước khi Ngân hàng chấp nhận khách hàng hoặc chấp nhận xử lý giao dịch cho khách hàng. Trước đây, các bước này đa phần được thực hiện thủ công và phân tán trên nhiều hệ thống/công cụ hỗ trợ, ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian xử lý giao dịch cho khách hàng.

Hiện tại, hệ thống OFSAA được tích hợp trực tiếp với các hệ thống mở tài khoản, hệ thống xử lý giao dịch cho khách hàng và hoạt động với các thuật toán mang tính chính xác cao. Hầu hết các bước tuân thủ nói trên đã được tự động hóa và xử lý trên cùng một nền tảng duy nhất, giúp giảm thao tác nhập liệu, theo dõi thủ công, giảm các cảnh báo giả trên hệ thống dẫn đến giảm đáng kể thời gian xử lý giao dịch cho khách hàng.

Trong thời gian tới, VPBank sẽ tiếp tục làm gì để tuân thủ các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế về PCRT?

Việc trang bị và đưa vào vận hành OFSAA đã giúp VPBank tuân thủ các yêu cầu của pháp luật và thông lệ quốc tế về PCRT trong bối cảnh tội phạm ngành tài chính ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi. Thời gian tới đây, bằng việc triển khai đào tạo trên diện rộng, áp dụng chế tài nghiêm ngặt và liên tục cải tiến dựa trên các góp ý, OFSAA hứa hẹn mang lại lợi ích thực sự cho cả Ngân hàng, khách hàng, đối tác và nhà đầu tư. 

Dự kiến trong quý II/2022 khi toàn bộ cấu phần kịch bản về PCRT được đưa vào hoạt động, chúng tôi sẽ tự động hóa việc giám sát hầu hết các giao dịch của Ngân hàng bằng hệ thống công nghệ này nhằm tránh bỏ sót, bỏ lọt các đối tượng thực hiện hành vi tránh né và/hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm