Cậu sinh viên năm thứ hai tại Hà Nội cho biết mình ấn tượng với chatbot mới của OpenAI ngay từ khi nghe nói đến giải pháp này cuối năm ngoái, khi thấy AI có thể nói chuyện như người thật. Dù chatbot hỗ trợ giao tiếp bằng tiếng Việt, rào cản với Trí là dịch vụ của OpenAI chưa hỗ trợ đăng ký từ nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
"Trên mạng cũng có nhiều hướng dẫn tự tạo tài khoản, nhưng đều phải 'lách luật', tương đối phức tạp và vẫn phải sử dụng nhiều phần mềm mất phí ", Trí nói.
Thực tế trên các cộng đồng yêu thích ChatGPT tại Việt Nam, các phương thức tạo tài khoản OpenAI được chia sẻ rộng rãi tuần qua. Cách thức cơ bản là tạo thông tin giả để "lừa" hệ thống về khu vực sử dụng. Tuy nhiên để thành công, người dùng cần đến một số dịch vụ như VPN để thay đổi địa chỉ IP sang nước ngoài, dịch vụ tạo số điện thoại ảo để kích hoạt. Những phần mềm này mất phí tối thiểu một USD và cần có thẻ ngân hàng thanh toán quốc tế.
Vì vậy, thay vì tự tạo tài khoản, những người như Trí tìm đến bên thứ ba chuyên cung cấp tạo tài khoản OpenAI. Các dịch vụ này có giá từ 20 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng. Người dùng sẽ nhận về tài khoản gồm email mới và mật khẩu để đăng nhập, đồng thời có sẵn 18 USD để sử dụng dịch vụ.
"Coi như nhịn ăn một vài bữa sáng để trải nghiệm siêu AI", Trí nói.
Theo Đức Lập, thành viên trên một cộng đồng sử dụng OpenAI tại Việt Nam, thực tế nhu cầu tạo tài khoản này đã được quan tâm từ nhiều tháng, hầu hết là những người yêu thích trí tuệ nhân tạo muốn sử dụng GPT3 của OpenAI. Đến khi ChatGPT - dịch vụ sử dụng nguyên mẫu GPT3.5 tiên tiến hơn được cung cấp miễn phí - gây sốt trên khắp thế giới, nhu cầu tạo tài khoản tại Việt Nam cũng tăng mạnh.
Lập cho biết một tháng nay, anh nhận được vài trăm đề nghị hỗ trợ tạo tài khoản và trong số đó có khoảng 100 người chấp nhận trả phí.
"Chi tiền chưa chắc đã dùng được"
Sau khi có tài khoản, Trí chỉ cần sử dụng smartphone hoặc điện thoại, truy cập trang web của OpenAI qua trình duyệt, đăng nhập và sử dụng. Tuy nhiên, anh cho biết trải nghiệm chưa trọn vẹn chatbot mới. Nguyên nhân chính là do dịch vụ liên tục trong trạng thái quá tải nên không thể truy cập vào bên trong.
Tình trạng này xảy ra liên tục những ngày qua. Chiều 16/1, khi vào website của ChatGPT từ Việt Nam, trang tải chậm, hiển thị thông báo "ChatGPT đang hoạt động ở công suất tối đa" và không cho đăng nhập để sử dụng.
Theo Codingem, đây không phải điều khó hiểu khi các giải pháp AI thường cần một lượng tài nguyên lớn. ChatGPT đang gây sốt trên toàn cầu, lại được cung cấp miễn phí, khiến hàng triệu người truy cập vào dịch vụ cùng lúc, gây nghẽn. Nhà cung cấp buộc phải hạn chế dịch vụ để phục vụ những người đã đăng nhập trước đó.
Đức Lập cho biết, trong trường hợp này, người dùng chỉ còn cách để lại email để "xếp hàng" và nhận thông báo khi dịch vụ khả dụng. Ngoài ra, Lập khuyên người dùng có thể sử dụng tài khoản OpenAI để trải nghiệm AI nguyên mẫu cũ hơn là GPT-3.
Tuy nhiên, khác với tính miễn phí của ChatGPT, các dịch vụ GPT-3 đều tính tiền cho từng kết quả mà người dùng nhận được. Mức phí này thậm chí được tính dựa trên từng từ mà chatbot trả về. Người dùng chọn mô hình AI càng thông minh, chi phí càng cao.
Ví dụ "Davinci" là tên mô hình mạnh mẽ nhất của OpenAI, có giá 0,02 USD cho 1.000 token, tương đương một đoạn văn khoảng 750 từ tiếng Anh. Có nghĩa, nếu ra lệnh với AI và được trả về câu trả lời 750 từ, người dùng sẽ bị trừ 0,02 USD (gần 500 đồng) trong tài khoản. Mô hình có tên "Ada" nhanh nhất và kém thông minh nhất, có giá 0,0004 USD.
Theo Lập, đây cũng là hạn chế của dịch vụ tạo tài khoản thuê tại Việt Nam như hiện nay. Ban đầu, người dùng có sẵn 18 USD để sử dụng, nhưng khi hết, họ không thể nạp thẻ và cách duy nhất là lập tài khoản mới.
Ngoài ra, do các bên cung cấp tài khoản OpenAI tại Việt Nam hiện nay đều qua hình thức online, người dùng nên chọn bên uy tín để tránh bị lừa tiền.
ChatGPT, do OpenAI phát triển, bắt đầu được cho sử dụng thử từ cuối tháng 11 năm ngoái. Đây là một dạng chatbot có thể tương tác và trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dùng, thay vì liệt kê hàng loạt đường link như những công cụ tìm kiếm hiện tại. Chương trình nhanh chóng thu hút chú ý và được giới công nghệ gọi là "siêu AI" bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản... theo ý người dùng một cách nhanh chóng. Trước ChatGPT, một số AI khác GPT-3 và Dall-E 2, cũng thuộc OpenAI, cũng tạo ấn tượng và nhận được đánh giá cao từ người dùng và giới chuyên gia.