Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 16/1, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ ngày 16/1, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã khôi phục hoạt động 4 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP HCM để giải quyết tình trạng quá tải.
Theo đó, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, sau 1 tháng tạm dừng, 4 trung tâm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam hoạt động trở lại gồm: 5003V tại phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức; chi nhánh 5003 VCN tại phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức; 5005V tại phường An Phú Đông, Quận 12; 5007V tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Tô An, sau khi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cho phép các trung tâm đăng kiểm đang bị điều tra được hoạt động trở lại để giải quyết ách tắc, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP HCM phối hợp mở lại một số đơn vị.
Các trung tâm đăng kiểm này đã bị công an điều tra, thu giữ một số tài liệu, máy tính. Để hoạt động trở lại, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bổ sung trang thiết bị mới, điều động nhân sự vào thay thế người đang bị điều tra.
Cũng theo ông Nguyễn Tô An, tuần tới Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Công an Hà Nội để mở lại 2 trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và một đơn vị duy nhất tại Hòa Bình để giải quyết nhu cầu kiểm định của người dân trước và sau Tết.
Hiện Công an nhiều tỉnh thành phố đang điều tra sai phạm trong kiểm định xe cơ giới dẫn đến nhiều trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Hiện, cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm thì 29 đơn vị tạm dừng hoạt động do bị điều tra, tập trung nhiều ở các thành phố lớn, gây thiếu hụt đơn vị đăng kiểm và nhân lực kiểm định.
Trong đó, thành phố Hà Nội chỉ còn 20/31 đơn vị hoạt động (11 trạm đăng kiểm bị đóng cửa). TP HCM chỉ còn 8 trung tâm và một chi nhánh trên tổng số 17 trung tâm và 2 chi nhánh. Tình trạng này dẫn đến tài xế phải xếp hàng nhiều đêm chờ đến sáng để được kiểm định.
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp giảm ùn tắc tại các trung tâm kiểm định xe cơ giới như: tăng thời gian làm việc của trung tâm từ 6h đến 21h, mở cửa cả ngày nghỉ, tăng cường đăng kiểm viên, ứng dụng công nghệ thông tin để chủ xe đăng ký lịch, thời gian kiểm định, khuyến cáo chủ xe đi kiểm định ở địa phương lân cận.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam chiều 16/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay, những ngày cận Tết, nhu cầu vận chuyển hàng hoá, đi lại phục vụ nhân dân rất lớn, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần tích cực khắc phục, tháo gỡ tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm, không để gián đoạn công tác kiểm định xe, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thời gian qua, cả nước đã có hơn 80 cá nhân vi phạm bị bắt giữ hoặc tạm giam để điều tra trong vụ án: "Môi giới hối lộ," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang…
Ngày 11/1, Công an TP HCM đã khởi tố, bắt giam để điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Đặng Việt Hà, Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Công an TP HCM cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số Trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang và chắc sẽ còn thêm nữa.
Sơ bộ ước tính có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật và các Trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Một số Trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới.