Mỗi nhân viên đem về 8 tỷ lợi nhuận/năm
CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water, mã chứng khoán: TDM) vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2023 với doanh thu 532,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Trong đó, doanh thu của công ty đến từ hoạt động kinh doanh chính là cung cấp nước sạch với con số 466,4 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt mức 45%, giảm so với con số 52% của năm ngoái.
Mặc dù biên lợi nhuận giảm nhưng sau khi khấu trừ chi phí, doanh nghiệp đầu ngành nước tại Việt Nam thu về 283,5 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng 29% so với năm 2022. Kể từ năm 2018 đến nay, TDM Water vẫn đều đặn mang về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận dù chỉ có "vỏn vẹn" 25 nhân viên.
Khoản đầu tư béo bở mang tên Biwase
Theo giải trình từ phía TDM Water, một nguyên nhân giúp lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng mạnh đến từ doanh thu hoạt động tài chính gần 124 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước, nhờ khoản cổ tức đến từ CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã chứng khoán: BWE) và 400 triệu đồng từ CTCP Tư vấn Cấp thoát nước và Môi trường.
Tại thời điểm cuối năm 2023, TDM Water đang sở hữu 72,2 triệu cổ phiếu BWE, tương đương 37,42% vốn và cũng là cổ đông lớn nhất của công ty này. Trong BCTC của TDM Water, Biwase được ghi nhận là công ty liên kết, được hạch toán kết quả kinh doanh theo phương pháp giá gốc.
Cụ thể, giá gốc khoản đầu tư vào Biwase là 1.061 tỷ đồng, chiếm đến 40% tổng tài sản. Tuy nhiên, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này lên tới 2.974 tỷ đồng.
Tại thời điểm 29/12/2023, giá cổ phiếu BWE đóng cửa tại mức 41.200 đồng, tương đương giá trị vốn hoá thị trường của Biwase là gần 7.950 tỷ đồng.
TDM Water trở thành một cổ đông chiến lược của Biwase khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2016. Đây là một mối quan hệ từng được quan tâm đặc biệt trong quá khứ. Đầu tiên là về quy mô, trong khi Biwase có đến cả nghìn nhân viên cùng lượng tài sản lên tới cả chục nghìn tỷ đồng, gấp nhiều lần TDM Water.
Ngoài ra, Biwase trước đó là một trong những cổ đông sáng lập TDM Water. Trước khi cổ phần hóa, Biwase đã thoái vốn khỏi TDM Water, điều này giúp TDM Water thỏa mãn điều kiện trở thành cổ đông chiến lược theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Để giải thích cho việc chỉ đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng có giá trị hợp lý gần 3.000 tỷ đồng của TDM Water, điều này chỉ có thể đến từ việc "ăn nên làm ra" của Biwase. Theo đó, Biwase hàng năm vẫn đem về hàng tăm tỷ đồng lợi nhuận, thậm chí là gấp nhiều TDM Water.
Nhờ việc lãi lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng sau hàng loạt thương vụ M&A trong ngành, Biwase cũng thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông. Như vậy, TDM Water vẫn có thể "vớ bẫm" từ khoản đầu tư vào Biwase.
TDM Water được thành lập năm 2013 với ngành nghề chính là kinh doanh nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải và bán vật tư ngành nước. Vốn điều lệ hiện nay ở mức 1.000 tỷ đồng.
Cuối năm 2014, sau hơn 1 năm thành lập, TDM Water đã hoàn tất xây dựng nhà máy cấp nước Nam Thủ Dầu Một mở rộng công suất 45.000 m3/ngày đêm để nâng tổng công suất lên khoảng 100.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư của dự án nhà máy nước Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của TDM Water phải nói là rất thuận lợi với việc ký hợp đồng cung cấp nước sạch qua đồng hồ tổng cho khách hàng quen thuộc, trong đó có cả Biwase, nên đầu ra và giá bán ổn định, được cổ đông sáng lập bao tiêu sản phẩm đầu ra của các nhà máy.
Trong tháng 1/2024, TDM Water ghi nhận tổng doanh thu đạt 29 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 8,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 4% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu là 564 tỷ, lợi nhuận sau thuế gần 198 tỷ.