Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm
Liên quan đến việc toàn bộ cư dân đang sinh sống tại chung cư mini (CCMN) số 22B trong ngách 236/17 Khương Đình phải di dời khẩn cấp do cột nhà bị nứt nghiêm trọng, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Phong – Đại diện Ban quản lý tòa chung cư mini số 22B cho biết:
Theo biên bản cuộc họp giữa cư dân và chủ đầu tư diễn ra vào ngày 22/2, chủ đầu tư CCMN là bà Phạm Thị Vân Anh và ông Nguyễn Thạc Hoàng và các hộ dân đã thống nhất phương án xử lý sự cố nứt cột tòa nhà là chủ đầu tư sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm, chi phí sửa chữa .
Đồng thời, phía chủ đầu tư cũng sẽ cắt cử người giám sát thi công trong vòng 30 ngày. Sau 30 ngày mà sự cố vẫn chưa khắc phục xong thì đơn vị thi công sẽ phải chịu phạt với các hộ gia đình trong tòa CCMN.
Trong khi đó, tại buổi làm việc với cư dân mới nhất, ông Nguyễn Hồng Phong cho biết, hai cột giữa tòa nhà bị nứt vỡ mất khả năng chịu lực . Ngoài ra, bốn cột quanh nhà cùng dầm chịu lực cũng bị ảnh hưởng.
Cũng theo Trưởng ban Quản lý tòa chung cư, so với bản thiết kế, phần chịu lực của tòa nhà bị khuyết một thanh dầm ra thang máy. Đồng thời, tiết diện của cột chống nhà nhỏ hơn so với bản thiết kế. Mức chi phí sửa chữa sự cố dự kiến có thể lên đến 4-5 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Phong cho biết, quá trình gia cố phần chịu lực của tòa CCMN cũng phải mất nhiều tháng mới hoàn thành.
Trước đó, khoảng đầu tháng 2, cư dân sinh sống tại tòa CCMN vừa nêu phát hiện hai cột bê tông cốt thép chống đỡ tòa nhà ở tầng 1 xuất hiện những khe nứt lớn ngang, dọc từ chân cột lên đến trần nhà. Mặc dù lo lắng nhưng các cư dân trong tòa nhà vẫn sinh sống bình thường vì khi ấy là Tết Nguyên đán 2024.
Khi nhận thông tin về dấu hiệu công trình nhà ở số 22B có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn khai thác, sử dụng, lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng như UBND phường Hạ Đình đã cắt cử lực lượng chuyên môn xuống hiện trường kiểm tra, khảo sát hiện trạng.
Sau đó, UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản khuyến cáo đề nghị người dân trong tòa nhà thực hiện di chuyển, đồng thời cử lực lượng hỗ trợ di chuyển khi người dân có yêu cầu. Đến ngày 24/2, toàn bộ các hộ dân đã di dời ra khỏi tòa nhà để đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương có thể hỗ trợ, phối hợp có biện pháp trấn an cư dân, tạo điều kiện cho họ vào nhà lấy đồ đạc vì nhiều hộ cũng khó khăn. Đồng thời, chúng tôi hi vọng chính quyền địa phương chấp thuận việc cho đơn vị thi công sửa chữa, khắc phục sự cố để người dân có nơi sinh sống”, ông Phong nói.
Hàng xóm sống trong bất an
Theo tìm hiểu của PV, tòa CCMN 22B, ngách 236/17 Khương Đình được cấp giấy phép xây dựng vào năm 2016. Trong đó, chủ đầu tư được xây công trình cao 5 tầng, lửng và tum. Tuy nhiên, trên thực tế, tòa nhà này cao tới 8 tầng, với gần 69 căn hộ, vượt 3 tầng so với giấy phép được cấp.
Đầu tháng 2 vừa qua (gần cùng thời điểm tòa nhà bị nứt cột), Công an quận Thanh Xuân đã công khai danh sách 90 công trình nhà ở nhiều căn hộ (CCMN) còn tồn tại, vi phạm về PCCC. Trong đó, CCMN ở số 22B ngách 236/17 Khương Đình do ông Nghiêm Mạnh Tiến làm chủ đầu tư có các tồn tại về PCCC như: Bổ sung giải pháp ngăn cháy lan tại trục kĩ thuật theo chiều dọc, chiều ngang tại các tầng bằng vật liệu không cháy (vữa, bê tông,…);
Chia sẻ với Tiền Phong, một cư dân sinh sống gần tòa chung cư 22B cho biết: “Biết tin tòa nhà ấy bị nứt cột, tôi và mọi người xung quanh lo lắng lắm. Đêm ngủ cứ thấp thỏm không yên. Hi vọng ban quản lý tòa nhà và chính quyền địa phương phối hợp để sớm có phương án khắc phục, đảm bảo an toàn cho tòa nhà nói riêng và khu vực dân cư xung quanh nói chung”.
Trao đổi với báo chí, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai cho biết, tòa CCMN này đã được cấp sổ đỏ và các hộ dân sống ở nơi này là đồng chủ sở hữu.
Liên quan đến vụ việc, UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND quận Thanh Xuân cho ngừng sử dụng công trình, khoanh vùng nguy hiểm , di chuyển người và tài sản để đảm bảo an toàn; hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm, đảm bảo ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong thời gian di dời.
Quận Thanh Xuân phải quản lý hiện trường, theo dõi, quan trắc nhằm phát hiện, cảnh báo và xử lý kịp thời những tình huống bất lợi có thể gây mất an toàn cho công trình và các công trình lân cận; rà soát lại hồ sơ khảo sát, thiết kế, quản lý cấp phép và thi công xây dựng công trình...