Chàng trai 26 tuổi quê Pleiku, Gia Lai, thường đi khắp các ngõ ngách ở TP HCM để quay video đánh giá, trải nghiệm các gánh hàng rong của người già. Qua những clip hỏi han, trò chuyện với các ông, bà, Thịnh mong người xem đến mua ủng hộ, giúp việc mưu sinh của họ vơi bớt vất vả.
"Có những cụ không còn sức đi lại vẫn phải bán hàng từ sáng tới khuya lãi được chưa đầy 100.000 đồng. Có sự giúp đỡ của cộng đồng, tôi mong cuộc sống của họ sẽ tốt hơn", Thịnh nói.
Nguyễn Tiến Thịnh từ Pleiku xuống TP HCM sống và làm việc từ năm 2016. Anh bắt đầu nổi trên mạng xã hội dịch Covid-19, qua những video chia sẻ hành trình đi thiện nguyện, vừa bán quần áo vừa kể chuyện trên livestream.
Đầu năm 2024, Thịnh chuyển sang làm review đồ ăn. Trong lần vô tình đi ngang xe há cảo của bà Nguyệt, 86 tuổi ở quận 5, thấy cụ bà lưng còng già yếu ngồi ngủ gật vì ế khách, Thịnh ghé vào xin bán hộ.
Đầu tiên anh ngồi ăn thử sau đó trò chuyện, hỏi han hoàn cảnh. Thấy bà Nguyệt có chút đề phòng người lạ, chàng trai 26 tuổi đổi cách xưng hô từ "bà - cháu" sang "mẹ - con" để tạo sự gần gũi.
Sau gần một tiếng làm quen và đứng quan sát, bà gật đầu đồng ý cho anh làm thử. Chàng trai tự múc bánh, chan nước sốt rồi mời khách. Thịnh cho biết dù món ăn không quá xuất sắc nhưng anh vẫn muốn quay video để quảng bá giúp gánh hàng khi biết bà không con cháu, một mình tự nuôi thân ở tuổi gần đất xa trời.
"Sau clip, có hàng trăm người ghé ủng hộ. Thấy bà đắt hàng tôi có động lực để giúp nhiều hoàn cảnh khác", Thịnh nói.
Tận dụng kênh TikTok hơn 3,5 triệu người theo dõi, Thịnh quyết định tìm tới nhiều gánh hàng rong của người già hơn. Anh kể ngoài việc khó tiếp cận trò chuyện với các cụ, hành trình giải cứu thường không dễ, đặc biệt tìm gặp các chủ quán. Có những tiệm anh phải ghé tới ba, bốn lần được bởi lịch bán hàng của các ông bà thất thường, ngày mệt thì nghỉ ở nhà. Những xe bán bánh tráng, bánh mì từ đêm đến rạng sáng, Thịnh cũng kiên nhẫn đợi để gặp bằng được.
Tiktoker quê Gia Lai cho biết với những người khuyết tật, họ có phần tự ti, không muốn giao tiếp, anh thường mua hết hàng để họ vui vẻ, dễ mở lòng và an tâm hơn khi trò chuyện.
"Mua xong tôi thường chia sẻ luôn cho người đi đường để họ được thưởng thức, nếu hợp khẩu vị mong sẽ ủng hộ cô chú", Thịnh nói.