Năm 2023, Tòa án nhân dân huyện Hồng Nhã, thành phố Mi Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc, đã tiếp nhận một vụ án phân chia gia sản. Người gửi đơn kiện là 2 mẹ con chị Đặng sống trên địa bàn.
Theo Ifeng, vào tháng 1/2022, ông Đặng ở huyện Hồng Nhã, qua đời và để lại 1 sổ tiết kiệm hơn 800.000 NDT (hơn 2,7 tỷ đồng) cùng 1 ngôi nhà. Khi đó, theo quan niệm của địa phương, con trai ông cụ này là Đặng Quân tin rằng mình là con trai duy nhất nên sẽ được thừa kế toàn bộ tài sản mà người cha để lại. Còn em gái Đặng Lan vì đã lập gia đình nên sẽ không được chia gia sản.
Cũng vì chuyện này mà 2 anh em họ Đặng thường xuyên xảy ra nhiều mâu thuẫn. Đặng Lan cho rằng việc anh trai một mình độc chiếm gia sản mà không chia cho mẹ và em gái là tham lam và rất quá đáng. Sau nhiều lần ngồi xuống bàn bạc, cả 2 bên vẫn không tìm được tiếng nói chung nên Đặng Lan và mẹ cô là bà Hà đã quyết định kiện Đặng Quân ra tòa, yêu cầu chia tài sản thừa kế.
Về vụ án này, tòa án địa phương xác nhận sổ tiết kiệm trị giá 800.000 NDT, nhà cửa mà ông Đặng để lại sau khi qua đời đều là tài sản chung của hai vợ chồng. Bên cạnh đó, vì ông Đặng không lập di chúc nên tài sản cá nhân của ông được xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 1127 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu người mất không để lại di chúc thì việc phân chia tài sản sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật. Cụ thể, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ/chồng, con cái và cha mẹ của người đã mất; Hàng thừa kế thứ hai gồm ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người đã mất. Trong trường hợp này, bà Hà và 2 người con là Đặng Quân và Đặng Lan đều có quyền thừa kế hợp pháp.
Cuối cùng, toà án địa phương đưa ra phán quyết tuyên bố bà Hà thừa hưởng ⅝ phần tài sản tranh chấp (1/2 trong số đó là tài sản chung của hai vợ chồng) và con gái Đặng Lan cũng được thừa kế 1/8 tài sản của cha cô.
Vụ việc này sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc. Nhiều người cho rằng câu chuyện này phần nào phản ánh được những góc tối còn tồn đọng trong việc phân chia gia sản, một trong số đó là ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ có từ ngày xưa. Hiện nay, với hệ thống pháp luật đã tiến bộ, có thể thấy việc thừa kế di sản đối với con trai hay con gái trong gia đình đều bình đẳng như nhau.
Luật sư Triệu Thanh Hoa từ Công ty Luật Hồ Bắc cho biết: Theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc và các quy định pháp luật khác, nhà nước Trung Quốc bảo vệ quyền thừa kế của cá nhân, quyền thừa kế bình đẳng giữa nam và nữ. Khi cha mẹ mất, con gái trong nhà dù đã lập gia đình hay chưa lập gia đình vẫn có quyền thừa kế như những người thừa kế khác. Ngoại trừ khi người con gái này từ bỏ quyền thừa kế một cách rõ ràng bằng văn bản hoặc bị mất quyền thừa kế theo luật định.