Ngày 22/4/2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction, mã: CTR) đã thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Đỗ Mạnh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty. Trước khi được bầu làm Chủ tịch CTR, ông Đỗ Mạnh Hùng là Chủ tịch của Công ty TNHH MTV Thương mại và xuất nhập khẩu Viettel.
Tính đến thời điểm hiện nay, ông Hùng đã có hơn 20 năm gắn bó với Tập đoàn Viettel. Kể từ khi trở thành "người Viettel" vào năm 2000, ông Hùng đảm đương qua nhiều vị trí. Ở giai đoạn năm 2000-2010, ông Hùng bắt đầu từ vai trò của một nhân viên kỹ thuật, đến Phó Giám đốc trung tâm rồi sau đó là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel.
Đến năm 2012, ông Đỗ Mạnh Hùng giữ vị trí quan trọng ở Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) với vai trò Phó Tổng Giám đốc và sau đó chuyển công tác sang Tổng Công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cũng với vị trí Phó Tổng Giám đốc, kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tanzania. Tháng 8/2018, ông Hùng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của Viettel Global và đến tháng 7/2021 giữ chức vụ Chủ tịch của Công ty TNHH MTV Thương mại và xuất nhập khẩu Viettel.
Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông CTR năm 2022, ông Đỗ Mạnh Hùng bày tỏ niềm vinh dự khi được các cổ đông và Hội đồng quản trị tin tưởng bầu làm Chủ tịch HĐQT của Công ty giai đoạn 2020 - 2025. Với trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, ông Hùng đã đồng hành cùng Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội trong chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thông cả trong và ngoài nước, đã trải qua các vị trí lãnh đạo tại các Tổng Công ty trong và ngoài nước.
Ông Đỗ Mạnh Hùng phát biểu tại ĐHĐCĐ Viettel Construction năm 2022
Ông Hùng cũng đánh giá Viettel Construction luôn là lực lượng tiên phong đi đầu trong thi công hạ tầng tạo ra xương sống và mạch máu cho kinh doanh viễn thông. Công trình Viettel đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng củng cố Quốc phòng - An ninh và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong 4 năm trở lại đây, CTR đạt mức tăng trưởng trung bình về doanh thu rất ấn tượng với 27%/năm, lợi nhuận sau thuế trung bình luôn đạt trên 35%. Năm 2021, CTR cũng là doanh nghiệp xếp thứ 65 trong Bảng xếp hạng Fast 500 (tăng 38 bậc so với năm trước đó); Xếp thứ 192 trong VNR500 (tăng 51 bậc); Top 50 doanh nghiệp có lợi nhuận xuất sắc nhất 2021; Top 50 doanh nghiệp có tăng trưởng xuất sắc nhất năm 2021. CTR cũng nhận được Giải vàng IT world Award Hạng mục Phần mềm Quản lý doanh thu và khách hàng tích hợp; Hạng 11 trong Top 100 nhà tuyển dụng được yêu thích nhất 2021; Giải Sao khuê cho phần mềm All In One (2022).
Nhận định về những khó khăn, thách thức của CTR trong thời gian tới, tân Chủ tịch Đỗ Mạnh Hùng cho biết, Viettel Construction là một trong những Công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Viettel. Bên cạnh việc được thừa hưởng bộ gen, hệ sinh thái về kỹ thuật công nghệ, quản trị của Tập đoàn thì CTR cũng có những thách thức nhất định: Đó là làm tốt một khối lượng công việc lớn trúng thầu với các công ty có liên quan Tập đoàn song song đó là vươn ra bên ngoài cả ở thị trường Việt Nam và các thị trường quốc tế, ông Hùng đánh giá.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ông Hùng cũng tiết lộ với các cổ đông về những định hướng hoạt động của CTR trong tương lai, bao gồm việc thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 đến các doanh nghiệp, hộ gia đình cũng như cung cấp dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật chuyên nghiệp, chất lượng, chi phí cạnh tranh, quy mô toàn cầu.
HĐQT CTR đặt mục tiêu doanh thu đến năm 2025 trở thành Công ty có doanh thu tỷ đô, đưa CTR trở thành nhà đầu tư, vận hành, cung cấp công trình thông minh, hiệu quả cao nhất và trở thành công ty đầu tư và cho thuê hạ tầng hàng đầu tại Việt Nam. Viettel Construction cũng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động xây lắp và vận hành kỹ thuật ra ngoài bên ngoài Tập đoàn Viettel, chú trọng phát triển các giải pháp năng lượng sạch, cơ điện thông minh.
Để đạt được những mục tiêu trên, Tân Chủ tịch CTR nhấn mạnh, Công ty cần xây dựng các chương trình hành động cân bằng/toàn diện về Con người - Quy trình - Công nghệ - Quản trị. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản trị chiến lược nguồn nhân lực luôn đảm bảo về số lượng, chất lượng; có quy hoạch kế cận; có hạt nhân cho từng lĩnh vực,dịch vụ; cơ chế khoán thực sự thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục đẩy mạnh việc tạo lập môi trường, văn hóa thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong doanh nghiệp.
Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel đã có 26 năm hình thành và phát triển, với tiền thân là một Xí nghiệp xây lắp công trình thuộc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội). Những năm 2001, doanh thu của CTR chỉ đạt 8,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 685 nghìn đồng/tháng thì nay đã đạt quy mô 10.000 người, với doanh thu đạt 7.454 tỷ đồng (năm 2021), thu nhập trung bình người lao động cũng tăng lên 25,6 triệu đồng/tháng.
Từ một công ty chuyên thầu xây dựng hạ tầng viễn thông nhưng đến nay CTR đã mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh gồm 6 lĩnh vực: 1. Vận hành khai thác hạ tầng mạng viễn thông/ 2. Xây dựng dân dụng/ 3. Đầu tư hạ tầng/ 4. Giải pháp tích hợp/ 5. Công nghệ thông tin. / 6. Dịch vụ Kỹ thuật