Tam Quốc là giai thoại hào hùng nổi tiếng với những trận chiến cùng nhân vật xuất chúng trong lịch sử Trung Quốc.
Nói đến chiến loạn, nếu chỉ có võ nghệ cao cường thì không thể chiến thắng thiên hạ. Đó là lý do vì sao những mưu sĩ tài tình như Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý… lại được trọng vọng đến thế.
36 kế chiến lược được vận dụng triệt để trong những trận chiến lớn, đơn cử là trận Xích Bích nổi tiếng. Và "Không thành kế" là một trong những kế đáng sợ nhất vì thử thách trí tuệ và đánh vào tâm lý con người.
Bất kể trong lịch sử hay “Tam quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng đều tập trung vào đại nghiệp Bắc phạt Tào Ngụy.
Trận Bắc phạt thứ nhất, Ngụy Diên đề xuất tự mang 5.000 tinh binh từ Tý Ngọ Cốc hành quân nhanh đến Trường An, từ đó chiếm luôn Trường An và Đồng Quan. Còn Gia Cát Lượng thì tiến quân băng ngang qua Tý Ngọ Cốc, sau đó đến Trường An và hai cánh quân gặp nhau lại Đồng Quan.
Tuy nhiên, Gia Cát Lượng lại không đồng ý vì kế này chứa nhiều rủi ro, một khi thất bại thì đại nghiệp sụp đổ. Cuối cùng ông đã thực hiện từng bước chậm, chiếm Lương Châu, không đánh nhanh thắng nhanh theo kế của Ngụy Diên.
Tào Ngụy không có bất kỳ phòng bị nên đã để 3 quận Lũng Tả, Thiên Thủy và An Định rơi vào tay Gia Cát Lượng. Sau đó, Tư Mã Ý đã thống lĩnh đại binh trực tiếp tấn công vào Nhai Đình ở nước Thục. Mã Tắc lơ là nên đã để Nhai Đình thất thủ. Tư Mã Ý dẫn binh công phá Tây Thành.
Đối mặt với đại quân của Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng căn bản không có binh lực phòng thủ, nếu quân địch tiến vào thì ông cầm chắc thất bại.
Thế nhưng một mưu sĩ đại tài như Gia Cát Lượng không thể chịu thua, ông đã tương kế tựu kế, nhàn hạ đến khó tin.
Khổng Minh mặc áo choàng chim hạc, đầu đội mũ, tay cầm quạt lông vũ, dẫn hai đứa trẻ lên tháp thành, ngồi thản nhiên đàn hát lớn tiếng.
Gia Cát Lượng cho người thu hết cờ, đồng thời mở cửa thành. Ông cùng 2 đứa trẻ ngồi trên đàn hát, cho một binh lính đóng giả thường dân quét rác trước cửa lớn.
Quân địch gần tiến đến, Gia Cát Lượng vẫn thản nhiên như không có chuyện gì. Tư Mã Ý nhìn thấy cảnh này cảm thấy có gì đó không đúng. Cổng thành mở như mời gọi ông tiến vào, đương nhiên chuyện này chắc chắn có ẩn tình. Tư Mã Ý hoài nghi bên trong có mai phục nên đã cho lui binh.
Vậy Tư Mã Ý thật sự sợ có mai phục sao?
Tư Mã Ý không sợ, mà hiểu được ám thị của Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý cũng xem như trải qua vô số cuộc chiến, thấu hiểu được nhân tình thế thái và sở hữu tầm nhìn xa trông rộng. Ông hiểu được, nếu thời điểm đó đánh bại Gia Cát Lượng ở Tây Thành thì ông sẽ không có tương lai. Tại sao lại như vậy?
Trước những trận Bắc phạt xảy ra, Tư Mã Ý không được Tào Ngụy trọng dụng. Tào Tháo sinh thời luôn đề phòng Tư Mã Ý, nhắc nhở con trai Tào Phi nên cẩn thận người này. Tư Mã Ý chỉ có thể nhẫn nhịn, đợi đến lúc Gia Cát Lượng phát động Bắc phạt, ông mới có cơ hội nổi dậy. Nếu như sớm diệt trừ Gia Cát Lượng thì xem như thiên hạ hoàn toàn thuộc về Tào Tháo.
Gia Cát Lượng cho người quét rác trước cổng thành cũng muốn nói với Tư Mã Ý một điều: Bây giờ ngươi quét sạch chỗ ta thì sau này Tào Ngụy cũng quét sạch ngươi.
Chỉ khi còn mối nguy hiểm lớn như Gia Cát Lượng, Tào Ngụy mới còn trọng dụng Tư Mã Ý. Đó là lý do khiến Tư Mã Ý quyết định cho lui binh.
Từ đó có thể nói, trong “Không thành kế” của Gia Cát Lượng còn có cả chiêu cao tay của Tư Mã Ý.
(Nguồn: Sohu)