Tài chính

CEO VPBank: Nợ xấu tăng chủ yếu từ người mua, có những dự án của Novaland

Tóm tắt:
  • Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết nợ xấu tại VPBank sẽ thể hiện rõ trong 6 tháng đầu năm.
  • Nợ xấu chủ yếu tăng từ người mua bất động sản, đặc biệt là dự án của Novaland.
  • VPBank tin rằng GPBank sẽ có lãi tối thiểu 500 tỷ đồng năm nay sau khi tái cơ cấu.
  • Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước.
  • FE Credit kỳ vọng đạt lợi nhuận trước thuế 1.126 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ.

Chiều 28/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) đã tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Sếp VPBank: Nợ xấu sẽ thể hiện rõ trong 6 tháng đầu năm

Tại phiên họp, trả lời câu hỏi về tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc, cho biết nợ xấu năm nay sẽ thể hiện rõ trong 6 tháng đầu năm. Các khoản nợ này được tái cơ cấu năm 2024, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu là từ người mua bất động sản tại các dự án, trong đó có những dự án của Novaland.

"Novaland đã cải thiện được khoảng 30% hồ sơ pháp lý các dự án, còn 70% đang trong lộ trình để xử lý cùng các ngân hàng, nên tình trạng nợ xấu của bất động sản có thể tăng trong quý I và II, nhưng sau đó sẽ ổn định và giảm dần vào các tháng cuối năm", ông Vinh nói.

Đánh giá về thị trường bất động sản, ông cho biết bất động sản là một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam: "Trong ý kiến chuyên môn thì sẽ có các ý kiến khác nhau nhưng với chúng tôi đây vẫn là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt trong sự phát triển các dự án nhà ở".

Trong tổng số 270.000 tỷ đồng dư nợ cho vay cá nhân tại VPBank, dư nợ cho vay mua nhà cá nhân vào khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương 40%. Theo ông Vinh, tỷ lệ này thấp so với nhiều ngân hàng khác.

CEO VPBank: Nợ xấu tăng chủ yếu từ người mua, có những dự án của Novaland - 1

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh (Ảnh: VPB).

GPBank sẽ thoát lỗ, lợi nhuận khoảng 500 tỷ đồng năm nay

Một cổ đông nêu vấn đề các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc đã có chiến lược đối với ngân hàng bị chuyển giao và thắc mắc về chiến lược của VPBank với GPBank.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, nêu, ngân hàng này nhận chuyển giao GPBank từ tháng 3 và đang trong giai đoạn kiện toàn nhân sự, đã cử nhân sự sang GPBank. "VPBank tin tưởng sẽ tái cơ cấu GPBank thành công. Trước khi được chuyển giao, GPBank lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm trở lên, nhưng từ năm nay, GPBank sẽ có lãi tối thiểu 500 tỷ đồng", ông Dũng nói.

"Ngay hôm nay, tôi đã nhận danh sách nhân sự được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y để cử sang hỗ trợ điều hành hoạt động GPBank", ông Dũng thông tin.

Chủ tịch ngân hàng cho biết đã sắp hoàn tất quá trình xây dựng chiến lược tái cơ cấu ngân hàng yếu kém GPBank dưới sự tư vấn của đối tác. Các hoạt động khác như nhân sự, chiến lược hoạt động của GPBank cũng đã được ban lãnh đạo ngân hàng nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động chi tiết.

Sau khi nhận chuyển giao GPBank, VPBank nằm trong nhóm được nới room ngoại lên 49%. Một cổ đông đặt câu hỏi ngân hàng có kế hoạch nới room thời gian tới hay không. Ông Ngô Chí Dũng trả lời: "Room ngoại trên sàn chưa hết nhưng có thể hết bất kỳ lúc nào. Việc được nới room rất quan trọng, chúng ta có điều kiện, cơ hội để tăng tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược hoặc mời thêm đối tác mới".

Chia sẻ thêm về mục tiêu khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, ông Ngô Chí Dũng cho biết VPBank tham gia tái cơ cấu GPBank không chỉ nhằm mục tiêu tài chính mà còn hướng tới mục tiêu có được hạn mức tăng trưởng tín dụng 35%/năm trong vòng 5 năm tới.

"Tăng trưởng quy mô tài sản là nhu cầu quan trọng số một với ngân hàng, kèm theo đó là nhu cầu tăng trưởng quy mô vốn. Ban lãnh đạo đã lên kế hoạch để cân đối hài hòa giữa mức tăng tài sản và vốn ngân hàng", Chủ tịch VPBank cho biết.

Một cổ đông khác đề nghị ban lãnh đạo ngân hàng chia sẻ về kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ.

Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm liền trước và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Trong đó, riêng lợi nhuận ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ đồng, tăng 22%, phần còn lại sẽ đến từ nhóm công ty con gồm tài chính tiêu dùng (FE Credit), chứng khoán (VPBankS) và bảo hiểm (OPES). Trong đó, FE Credit đặt mục tiêu thu về 1.126 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Các tin khác

CADIVI – 50 năm cùng Việt Nam vươn cao

Năm 2025, Công ty Cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (CADIVI) tự hào bước vào cột mốc quan trọng: 50 năm hình thành và phát triển. Đây là hành trình dài nửa thế kỷ, không chỉ là câu chuyện về sự vươn lên của một thương hiệu, mà còn là hành trình của niềm tin, khát vọng và tầm nhìn không ngừng mở rộng. Từ một xưởng sản xuất nhỏ bé vào tháng 10/1975, CADIVI đã trở thành tên tuổi hàng đầu trong ngành dây và cáp điện tại Việt Nam, đồng thời khẳng định mình trên trường quốc tế.

Kinh doanh từ hai bàn tay trắng, 5 năm đạt doanh thu hơn 1000 tỷ đồng: Ít vốn nên phải tìm cách len qua khe cửa hẹp để không bị các ‘ông lớn’ đè bẹp!

Nhờ vào sản phẩm Wifi di động, Hoàng Trác Việt và Tào Tường Nam kiếm được số tiền lên tới hàng ngàn tỷ sau 5 năm kinh doanh. Lưu lượng pin của sản phẩm wifi di động có thể duy trì 24-30 tiếng, chỉ với khoảng 20-30 tệ/tháng (khoảng 60-90 ngàn đồng), người dùng có thể sử dụng lưu lượng wifi vô hạn.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo xử lý thuốc chữa bệnh giả

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng quy định của pháp luật và tình hình kết quả quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh, ngăn ngừa thuốc giả.