Xã hội

Shein tăng giá 377% tại Mỹ, người tiêu dùng ngã ngửa

Tóm tắt:
  • Shein tăng giá sản phẩm tại Mỹ lên tới 377% nhằm bù đắp chi phí nhập khẩu gia tăng.
  • Giá trung bình các mặt hàng chủ lực như làm đẹp, gia dụng và quần áo đều tăng mạnh sau ngày 25/4.
  • Chính sách thuế mới của Mỹ khiến hàng Trung Quốc bị đánh thuế cao, ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán.
  • Shein chuyển hướng sản xuất sang các nước khác để tránh thuế và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
  • Người tiêu dùng Mỹ bắt đầu chịu thiệt, phải trả nhiều hơn cho cùng một sản phẩm do áp lực thuế quan.

Mức tăng chóng mặt: Giá gấp đôi, thậm chí gấp 4 lần

Theo dữ liệu của Bloomberg News, đa số các đợt tăng giá diễn ra vào ngày thứ Sáu (25/4). Các danh mục sản phẩm chủ lực đều bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, giá trung bình top 100 sản phẩm trong nhóm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tăng vọt 51% chỉ sau một ngày. Một số mặt hàng thậm chí tăng gấp đôi.

Sản phẩm nhà bếp, gia dụng và đồ chơi ghi nhận mức tăng giá trung bình hơn 30%, với "cú sốc" lớn nhất đến từ bộ 10 khăn bếp - nhảy từ 1,28 USD lên 6,10 USD, tương đương mức tăng 377%. Quần áo nữ, mảng "hái ra tiền" của Shein, cũng tăng giá 8% so với trước đó.

Điều đáng chú ý là trong khi giá tại Mỹ nhảy vọt, giá sản phẩm tại Anh và nhiều quốc gia khác hầu như không thay đổi. Điều này cho thấy Shein đang nhắm thẳng vào người tiêu dùng Mỹ để bù đắp chi phí nhập khẩu gia tăng từ cuộc chiến thuế quan.

Từ lâu, các nền tảng thương mại điện tử như Shein và Temu đã dựa vào chính sách "de minimis" của Mỹ để nhập khẩu hàng hóa trị giá dưới 800 USD mà không bị đánh thuế. Tuy nhiên, với chính sách mới của ông Trump, lỗ hổng này đã chính thức bị bịt lại.

Shein tăng giá 377% tại Mỹ, người tiêu dùng ngã ngửa - 1

Shein trước đây sử dụng các miễn trừ của Mỹ để tránh phải trả các khoản thuế vận chuyển từ Trung Quốc (Ảnh: Tingshu Wang).

Theo quy định mới, các kiện hàng nhỏ từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) sẽ chịu mức thuế tới 120%, đồng thời phí bưu kiện quốc tế cũng sẽ tăng lên 100 USD sau ngày 2/5, và tiếp tục leo thang sau ngày 1/6.

Để ứng phó, Shein và Temu hồi đầu tháng 4 đã cảnh báo người tiêu dùng về khả năng tăng giá, với lý do "chi phí hoạt động tăng cao do thay đổi chính sách thương mại và thuế quan toàn cầu".

Đúng như lời cảnh báo, từ ngày 24/4 đến 26/4, giá trung bình các sản phẩm của Shein tại Mỹ đã tăng thêm khoảng 10%. Trong khi đó, giá bán tại Anh vẫn giữ ổn định. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy người tiêu dùng Mỹ sẽ là đối tượng đầu tiên "lãnh đạn" từ cuộc chiến thương mại mới.

Shein chuyển hướng sản xuất để né thuế quan từ Mỹ

Không chỉ điều chỉnh giá bán, Shein còn có những động thái chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro dài hạn. Từ tháng 2 vừa qua, công ty này đã bắt đầu đưa ra hàng loạt ưu đãi để khuyến khích nhà cung cấp chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước, một động thái nhằm tránh phụ thuộc vào Trung Quốc và né thuế từ Mỹ.

Shein, được sáng lập bởi doanh nhân Trung Quốc Chris Xu vào năm 2008 và hiện đặt trụ sở chính tại Singapore, rõ ràng không muốn trở thành "nạn nhân" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.

Sự leo thang mới trong cuộc chiến thuế quan đã gây chấn động không chỉ trong giới kinh doanh mà còn trên thị trường tài chính.

Trong bài phát biểu hôm 21/4, ông Trump tuyên bố tự tin rằng "gần như không có lạm phát" tại Mỹ nhờ giá năng lượng và thực phẩm giảm. Tuy nhiên, đợt tăng giá sốc của Shein đã cho thấy một thực tế ngược lại: chi phí nhập khẩu gia tăng sẽ sớm đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao, bất chấp giá xăng hay rau củ.

Sự lo ngại không chỉ đến từ giới doanh nghiệp. Ngay cả những người ủng hộ ông Trump như tỷ phú Bill Ackman cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc. Trên mạng xã hội X, ông Ackman cảnh báo rằng thuế quan cao sẽ "gây thiệt hại nặng nề" cho các công ty Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi hai nước nhanh chóng đạt được thỏa thuận để giảm mức thuế xuống mức hợp lý hơn, khoảng 10%-20%.

Ông nhấn mạnh: "Hy vọng duy nhất cho Trung Quốc, cũng như cho doanh nghiệp Mỹ, là hai bên phải ngồi lại đàm phán để đưa ra những cam kết lâu dài về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, mở cửa thị trường và dỡ bỏ rào cản thương mại".

Người tiêu dùng Mỹ chịu trận

Trong khi giới chính trị và doanh nghiệp còn đang tranh cãi, người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu cảm nhận rõ tác động từ các đòn thuế quan.

Không còn những món đồ thời trang giá rẻ từ Shein, người Mỹ giờ đây phải móc hầu bao nhiều hơn cho cùng một sản phẩm. Và với mức thuế dự kiến tiếp tục tăng mạnh sau ngày 1/6, làn sóng tăng giá này có thể chỉ mới bắt đầu.

Một cuộc chiến thương mại mới, khốc liệt hơn, đã thực sự khởi động. Và lần này, "đạn" đã rơi thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.

Các tin khác

CADIVI – 50 năm cùng Việt Nam vươn cao

Năm 2025, Công ty Cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (CADIVI) tự hào bước vào cột mốc quan trọng: 50 năm hình thành và phát triển. Đây là hành trình dài nửa thế kỷ, không chỉ là câu chuyện về sự vươn lên của một thương hiệu, mà còn là hành trình của niềm tin, khát vọng và tầm nhìn không ngừng mở rộng. Từ một xưởng sản xuất nhỏ bé vào tháng 10/1975, CADIVI đã trở thành tên tuổi hàng đầu trong ngành dây và cáp điện tại Việt Nam, đồng thời khẳng định mình trên trường quốc tế.

Kinh doanh từ hai bàn tay trắng, 5 năm đạt doanh thu hơn 1000 tỷ đồng: Ít vốn nên phải tìm cách len qua khe cửa hẹp để không bị các ‘ông lớn’ đè bẹp!

Nhờ vào sản phẩm Wifi di động, Hoàng Trác Việt và Tào Tường Nam kiếm được số tiền lên tới hàng ngàn tỷ sau 5 năm kinh doanh. Lưu lượng pin của sản phẩm wifi di động có thể duy trì 24-30 tiếng, chỉ với khoảng 20-30 tệ/tháng (khoảng 60-90 ngàn đồng), người dùng có thể sử dụng lưu lượng wifi vô hạn.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo xử lý thuốc chữa bệnh giả

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng quy định của pháp luật và tình hình kết quả quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh, ngăn ngừa thuốc giả.