Trong đó, phiên bản mai Rồng Việt dáng rồng đang được trưng bày ở Lễ hội hoa Xuân (sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội), từ ngày 4/1 đến 21/1 cao 3m, có giá niêm yết 5,5 tỷ đồng. Cùng chiều cao nhưng cây mai Đại Phúc đang trưng bày tại showroom Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) được định giá 6 tỷ vì kiểu dáng lạ hơn.
Ngoài ra, nhà sản xuất còn giới thiệu loạt mai: Kỳ Lân, Long Thăng, Bạt Phong...và bồ đề mạ vàng 24K với đa dạng kiểu dáng phong thủy lẫn kích thước (cao từ 300 mm đến 3,000 mm), mức giá dao động khoảng 15 triệu đồng đến 6 tỷ đồng.
Chị Hải Anh (Hà Nội) cho biết gia đình chị đến Lễ hội hoa Xuân từ ngày 7/1, hai bé dưới 10 tuổi thi nhau chụp với cây mai vàng kiểu dáng độc đáo. "Bố tôi hỏi kỹ từng công đoạn chế tác. Ông rất thích cây cối, nhất là mấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được làm tinh xảo thế này", Hải Anh nói.
Tương tự, sản phẩm cao 3 m nổi bật ngay sảnh showroom tại TP HCM, thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng, check-in, trong đó có doanh nghiệp lớn, giới thượng lưu và người chuyên sưu tầm mai mỹ nghệ.
Tất cả sản phẩm trên được sản xuất thủ công tại nhà máy rộng 13.000 m2 Bình Dương, đăng ký sở hữu trí tuệ bởi Công ty Cổ phần Mai Vàng Rồng Việt.
Đại diện nhà sản xuất cho biết quy trình chế tác khá phức tạp, gồm 12 bước, trong đó 70% là tay nghề thủ công của nghệ nhân, kỹ sư, 30% còn lại thuộc về công nghệ, máy móc, thiết bị gia công.
"Các chi tiết nhỏ nhất như nhụy, hoa, lá, điểm nhấn trên cánh hoa, thân, cành... đều được xử lý tỉ mỉ trong hàng nghìn giờ sao cho sống động, chân thật nhất", Ông Farin - CEO công ty tiết lộ.
Đầu tiên, đội ngũ thiết kế 3D sẽ dựng mô hình ba chiều trên phần mềm đồ họa máy tính. Bước này giúp các kỹ sư, thợ thủ công dễ dàng quan sát vật thể để thực hiện các công đoạn kế tiếp. Sau đó, họ bắt tay tạo mẫu - khâu rất quan trọng, đòi hỏi độ chính xác, nghệ nhân tay nghề cao và mắt thẩm mỹ tốt.
Bước tiếp theo là làm khuôn, theo nhà sản xuất, khuôn được gia công bằng các công nghệ khác nhau, tùy kích thước, góc cạnh, hình dáng chi tiết... Có ba loại khuôn cơ bản: kim loại, cao su và đúc cát. Khâu này rất phức tạp, phải lưu ý lớp vỏ đủ dày, chịu lực tốt khi rót nước đồng, thời gian nung, tách vỏ khuôn để lấy phôi đúc sản phẩm...
"Chúng tôi không sử dụng công nghệ làm khuôn bằng đất nung kiểu truyền thống vì lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường", ông Farin cho hay.
Kế tiếp, nghệ nhân thực hiện khuôn dập nhằm tạo hình chi tiết hoa, đài hoa, nhụy, lá, dập tạo hình, tạo gân hoa hay gân lá... Sau đó là các công đoạn đúc, gò, dập, hàn, nhám/bóng, mạ vàng 24K, phủ nano cao cấp...
Hoàn thiện những bước trên, thợ thủ công tiến hành lắp ráp các chi tiết lại với nhau để cho ra thành phẩm đúng theo thiết kế 3D. Bộ phận kiểm tra chất lượng có trách nhiệm sát sao từng công đoạn, chi tiết cho tới khi hoàn chỉnh, dán tem Passed trước khi đóng gói sản phẩm.
"Thành phẩm được đóng gói kỹ càng bằng thùng gỗ, dán tem mã số sản phẩm, tên khách hàng, địa chỉ... một cách thẩm mỹ và đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển từ nhà máy đến showroom hoặc từ nhà máy đến tay người mua", đại diện Công ty Cổ phần Mai Vàng Rồng Việt cho hay.
(ảnh: Mai Vàng Rồng Việt)