Bất động sản

Cắt lỗ bất động sản Hải Phòng chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Hà Nội, giới nhà giàu địa phương vẫn ôm hàng chờ đợi

Cắt lỗ bất động sản Hải Phòng chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Hà Nội, giới nhà giàu địa phương vẫn ôm hàng chờ đợi - Ảnh 1.

Cùng với bức tranh trầm lắng của thị trường địa ốc, giá bất động sản Hải Phòng ghi nhận hiện tượng cắt lỗ giảm sâu ở những khu vực từng tăng nóng và diễn biến đi ngang tại một số quận trung tâm thành phố.

Đầu tư lô đất tại Thuỷ Nguyên trong cơn sốt đất từ năm 2021 với mức giá gần 2 tỷ, sau nhiều lần rao bán bất thành, chị Triệu Huyền (hiện sống tại Hà Nội, quê Hải Phòng) quyết định chấp nhận gồng gốc lãi. Nhà đầu tư tay ngang này kể lại rằng, thời điểm năm 2021, khi thông tin Thuỷ Nguyên được đề xuất lên thành phố, giá đất khu vực này tăng nhanh chóng. “Ăn theo” những người bạn là nhà đầu tư, chị Huyền cũng “ôm” một lô đất thổ cư với mức giá 1,85 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có 1 tỷ đồng, chị Huyền vay ngân hàng 850 triệu đồng.

Đến đầu năm 2022, khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng, nhà đầu tư này bắt đầu đẩy hàng nhờ môi giới rao bán. Tuy nhiên, vì mức giá cao, đúng thời điểm thị trường có tín hiệu chững, lô đất chị Huyền rao bán không tìm được khách mua.

Chị Huyền cho biết: “Tháng trước, môi giới liên hệ tôi bán lại. Môi giới này nói thêm, thị trường đang ấm lại, đất túc tắc bán được nhiều hơn. Tuy nhiên, mức giá phải giảm thì mới có khách chốt. Vì đến hiện tại, tính khoảng trả lãi ngân hàng, tôi cũng đã lỗ. Nên tôi quyết định gồng gốc lãi và đợi thị trường hồi hoàn toàn”.

Chia sẻ về tình hình thị trường bất động sản hiện tại, môi giới tên Ngọc cho hay, so thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, bất động sản Hải Phòng hiện đã có tín hội hồi phục. Các khu vực quận thành phố Hải Phòng như Lê Chân, Kiến An, Hồng Bàng, giá bất động sản đi ngang. Giao dịch đã tăng trở lại. Đặc biệt là đối với lô đất vị trí đẹp, có thể kinh doanh, giá bất động sản gần như không giảm. Lượng hàng bán ra cũng nhỏ giọt, không ồ ạt và quá lớn.

Cắt lỗ bất động sản Hải Phòng chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Hà Nội, giới nhà giàu địa phương vẫn ôm hàng chờ đợi - Ảnh 2.

Cắt lỗ bất động sản Hải Phòng chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Hà Nội, giới nhà giàu địa phương vẫn ôm hàng chờ đợi - Ảnh 3.

Cắt lỗ bất động sản Hải Phòng chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Hà Nội, giới nhà giàu địa phương vẫn ôm hàng chờ đợi - Ảnh 4.

Thông tin rao bán đất tại Hải Phòng.

“Do đây là những quận trung tâm, khu dân cư đông. Nên giá bất động sản thường khó hạ. Một lý do khác, đó là người dân đất Cảng giàu nên tâm lý của họ là mua giữ đất. Trừ trường hợp nhà đầu tư vay ngân hàng bị “ngộp” mới phải cắt lỗ. Thông thường, nhóm nhà đầu tư Hà Nội "đánh bắt xa bờ" về Hải Phòng mua, vay ngân hàng và hiện mất khả năng thanh khoản mới bán. Còn người Hải Phòng mua đất rất hiếm người nhờ rao bán hộ”, anh Ngọc cho hay.

Môi giới này cho biết, ở khu vực huyện, đặc biệt là huyện Thuỷ Nguyên, tình trạng cắt lỗ diễn ra khá mạnh, trung bình 10-30%. Nhiều nhà đầu tư lao vào đầu cơ thời điểm 2021 đều rơi vào cảnh “kẹt hàng”. Dù hiện tại, thanh khoản đã khả quan hơn so giai đoạn 2022 và đầu năm 2023 nhưng tỷ lệ chốt hàng thấp.

“Gần 2 năm trước, nhà đầu tư ở các tỉnh đổ về Thuỷ Nguyên rất đông. Họ đầu cơ lướt sóng. Giờ họ rơi vào tình cảnh kẹt hàng phải bán. Hiện tại, đối với anh em môi giới, chúng tôi vẫn bán được hàng. Thị trường đang dần hồi phục nhưng diễn biến còn rất chậm. Khả năng, thị trường Hải Phòng sôi động lại như trước rất khó xảy ra”, môi giới này nói thêm.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cuối năm 2022, thanh khoản bất động sản tại Hải Phòng ghi nhận sụt giảm mạnh. Giá bất động sản cũng giảm mạnh. Đơn cử như phân khúc, sản phẩm hạng sang hướng tới đối tượng cao cấp, có tài chính tốt ghi nhận giảm 10%. Một số dự án ở phân khúc trung cấp có mức giá giảm 20-25%, đặc biệt một số dự án đưa ra mức chiết khấu trên 40% khi thanh toán 95% tiến độ.

Bức tranh ảm đạm bao phủ thị trường địa ốc Hải Phòng khi các sàn giao dịch đồng loạt cắt giảm nhân sự, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn có tỷ trọng cắt giảm trên 50%, thậm chí nhiều sàn nhỏ lẻ buộc phải đóng cửa.

Ghi nhận của VARs, diễn biến trầm lắng vẫn kéo dài trong quý I/2023. Tuy nhiên đến đầu quý II/2023, thị trường đã bắt đầu khởi sắc.

Dữ liệu của VARS ghi nhận, quý 2/2023, thị trường bất động sản Hải Phòng có 11 dự án nhà ở đang mở bán, đưa ra thị trường khoảng 1000 sản phẩm. Trong đó, khoảng 70% nguồn cung là căn hộ cao cấp đến từ các dự án chung cư thuộc quận Lê Chân, với mức giá sơ cấp trung bình khoảng 48 triệu đồng/m2, tăng 4,3% theo quý, bằng với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 8% mức giá trung bình căn hộ sơ cấp tại Hà Nội.

Về tình hình giao dịch bất động sản, quý 2/2023, thị trường bất động sản ghi nhận 236 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ đạt 24%, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tô Hùng, Trưởng văn phòng đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) tại Hải Phòng cho biết, số lượng giao dịch thành công của các đơn vị môi giới trên địa bàn ngày càng nhiều và ổn định. Giá đất nền ở một số khu vực tại Hải Phòng đã ghi nhận mức tăng khoảng 5% so với quý 1. Các khu vực “nóng” từng cắt lỗ sâu đã bắt đầu có giao dịch.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm