TAND TP Hà Nội đang nghị án kéo dài và ngày 27-7 tới đây sẽ tuyên án vụ sản xuất, mua bán sách giáo khoa giả có quy mô lớn.
Vụ án này, ông Trần Hùng (cựu tổ trưởng tổ 304, nay là Tổ 1444 Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng để giúp bà Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát Thuận) không bị xử lý hình sự do sản xuất, buôn bán sách giả.
VKS đề nghị mức án 9-10 năm tù về tội nhận hối lộ đối với ông Hùng.
Ông Trần Hùng tại phiên tòa
Liên quan đến hành vi nhận hối lộ của ông Trần Hùng, bị cáo Nguyễn Duy Hải bị xét xử về tội môi giới hối lộ. Tuy nhiên, trong vụ án không có bị cáo nào bị xét xử về tội đưa hối lộ.
Theo diễn biến phiên tòa, cả hai bị cáo Thuận, Hải thống nhất lời khai như nội dung cáo trạng quy kết.
Cụ thể, khi Công ty Phú Hưng Phát bị kiểm tra, thu giữ sách giả, bà Thuận thấy ông Hùng là người trực tiếp chỉ đạo nên đã nhắn tin, điện thoại cho Trần Hùng với mục đích nhờ giúp đỡ, chỉ đạo để xử lý nhẹ vụ việc.
Ông Hùng đã hướng dẫn bà Thuận viết lại bản tường trình và thay đổi lời khai khai về nguồn gốc số sách thành sách do người khác mang đến ký gửi.
Trong quá trình này, bà Thuận đã chi 300 triệu đồng, thông qua Nguyễn Mạnh Hà (Phó GĐ Công ty cổ phần In Hà Nội) và Hải để đưa cho ông Hùng. Theo đó, ngày 14-7-2020, Thuận đưa cho Hà 300 triệu đồng, Hà đưa lại số tiền này cho Hải để Hải mang đi đưa hối lộ. Nói chung là tại CQĐT và tại tòa bà Thuận thừa nhận đã bỏ ra 300 triệu đồng để đưa hối lộ.
Cho đến khi ra tòa, ông Trần Hùng vẫn một mực phủ nhận việc có nhận cái túi ni-lông màu đen đựng 300 triệu đồng từ Hải. Luật sư của ông Hùng đưa ra nhiều căn cứ để cho rằng ông Hùng có chứng cứ ngoại phạm ở thời điểm mà các cơ quan tố tụng cho rằng Hải đã đến cơ quan ông Hùng lần thứ hai để đưa tiền, sau lần đầu (buổi sáng) đã bị ông Hùng khước từ.
Tuy vậy, VKS vẫn cho rằng có đủ căn cứ để buộc tội ông Hùng như PLO đã thông tin.
Về phía bà Thuận, người chủ động tìm cách kết nối và chi tiền ra để đưa hối lộ, việc chi tiền đã xong, cho dù ông Hùng có nhận hay không nhận tiền hối lộ như cơ quan tố tụng đã quy kết, thì hành vi của bà Thuận đã có dấu hiệu của tội đưa hối lộ, hành vi của ông Nguyễn Hà có dấu hiệu của tội môi giới hối lộ. Ấy thế nhưng bà Thuận chỉ bị xử lý hình sự tội sản xuất, buôn bán hàng giả (và bị VKS đề nghị 11-12 năm tù), Nguyễn Mạnh Hà tội sản xuất hàng giả... mà không bị xử lý tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Theo VKSND Tối cao, tại CQĐT, Thuận và Hà đã tích cực hợp tác, chủ động khai báo trước khi bị phát giác.
Căn cứ vào khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 BLHS và Nghị quyết 03 của HĐTP TAND Tối cao, cơ quan công tố quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Thuận ở hành vi đưa hối lộ, miễn trách nhiệm hình sự với ông Hà ở hành vi môi giới hối lộ.
Khoản 7 Điều 364 quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Khoản 6 Điều 365 quy định người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Tại phiên tòa, ông Trần Hùng thừa nhận tất cả các tình tiết đã xảy ra trong sáng 15-7-2020, kể cả việc từ chối nhận túi ni-lông màu đen được cho là có đựng 300 triệu đồng từ Hải. Tuy nhiên, ông Hùng phủ nhận việc đầu giờ chiều ông có gặp Hải và nhận cái túi ni-lông màu đen được cho là có đựng 300 triệu đồng.
Lời khai của các nhân chứng Kiều Nghiệp, Nguyễn Văn Kim tại tòa có sự mâu thuẫn với lời khai của bà Thuận, ông Hải, mâu thuẫn với lời khai của chính họ trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án.