Doanh nghiệp

Cắt giảm thủ tục, đưa doanh nghiệp tư nhân trở lại đường đua

Tóm tắt:
  • TP.HCM có hơn 345.000 doanh nghiệp, đóng góp 15,5% GDP cả nước và 27% tổng thu ngân sách năm 2024.
  • Số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm, trong khi doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng, cần có nghiên cứu sâu hơn.
  • Tổng Bí thư chỉ đạo cắt giảm 30% thời gian và chi phí thủ tục hành chính, cần cải cách để phát triển kinh tế tư nhân.
  • TP.HCM cần ban hành phương án cắt giảm quy định kinh doanh và tập trung vào cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp.
  • Cần chủ động ứng phó với biến chuyển toàn cầu, thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng và xây dựng hạ tầng giao thông hiệu quả.

MỆNH LỆNH CẮT GIẢM 30% THỦ TỤC

TP.HCM có lực lượng doanh nghiệp (DN) đông đảo nhất cả nước, với hơn 345.000 DN đang hoạt động, trong đó phần lớn là DN tư nhân. Đây cũng là lực lượng chính giúp TP.HCM đóng góp 15,5% GDP cả nước, 27% tổng thu ngân sách năm 2024.

 - Ảnh 1.

Cần tháo gỡ các thủ tục để kinh tế tư nhân phát triển

ẢNH: D.K

Nửa cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, số lượng DN thành lập mới giảm về số lượng và về vốn đăng ký; số DN tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ là điều đáng lo ngại. Bối cảnh đó đòi hỏi cần một nghiên cứu sâu hơn để có bức tranh rõ hơn về số lượng DN, bởi đây là lực lượng đóng góp chính vào tăng trưởng cho năm 2025 và các năm sau. Kinh tế tư nhân phụ thuộc vào đầu tư công, môi trường kinh doanh, đất đai, phương thức đầu tư. Nếu không gỡ được những yếu tố này thì không thể kích đầu tư tư nhân được. Bên cạnh đó, tăng trưởng của TP.HCM có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ, nếu các tỉnh xung quanh chưa phát triển tốt, khả năng thu hút đầu tư tư nhân của thành phố cũng bị ảnh hưởng.

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Cải cách hành chính được nhắc nhiều những năm qua nhưng kết quả chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Do vậy, với mệnh lệnh "30%" của Tổng Bí thư, TP.HCM cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và kiểm đếm cụ thể bằng kết quả "đầu ra" là đưa DN tư nhân trở lại đường đua, gia tăng và củng cố nội lực của nền kinh tế bằng KH-CN, chuyển đổi số.

Trong đó, TP.HCM đang xem xét một số giải pháp giúp cắt giảm chi phí DN như: cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và thành phần hồ sơ; cải cách thủ tục hành chính và hoạt động kiểm tra chuyên ngành; hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và thuận lợi hóa thương mại. Bên cạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các chế độ báo cáo theo yêu cầu cũng cần chủ động đề xuất danh mục thủ tục hành chính phân cấp, ủy quyền giải quyết; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục.

GIAO VIỆC CHO DOANH NGHIỆP LỚN

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình DN đã được triển khai trong thời gian qua nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả với nhiều lý do khác nhau. Trong thời gian tới, TP.HCM cần triển khai các chính sách hiện hành của Trung ương (như hỗ trợ tư vấn, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện, lệ phí môn bài, thủ tục thuế và kế toán), cũng như tập trung vào công tác cải cách hành chính. TP.HCM cũng cần xây dựng hệ thống dữ liệu về hộ kinh doanh để làm cơ sở điều chỉnh, ban hành các chính sách mới quản lý và hỗ trợ hộ kinh doanh.

 - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp tư nhân giúp TP.HCM đóng góp 15,5% GDP cả nước

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

TP.HCM cần sớm ban hành phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và DN, tập trung ưu tiên rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị đề xuất cắt giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục có điều kiện kinh doanh không cần thiết, góp phần giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh khi thực hiện thủ tục trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công.

Việc Bộ Chính trị dự kiến ban hành một nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân là định hướng đúng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, hình thành những DN lớn dẫn dắt nền kinh tế. Trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển DN phải gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mục tiêu là tạo ra hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu DN mới và ngày càng lớn mạnh lên. Riêng KH-CN, đầu tư công vẫn phải giữ vai trò dẫn dắt làm đòn bẩy kích thích đầu tư tư nhân. TP.HCM cần tập trung xác định đầu việc, hạng mục đầu tư, kinh phí dự kiến thì mới tính được tác động của KH-CN vào tăng trưởng.

Nếu như Chính phủ khoán chỉ tiêu tăng trưởng cho từng địa phương thì TP.HCM cũng có thể nghiên cứu khoán chỉ tiêu cho các sở, ngành, đặc biệt là mời gọi, thậm chí giao việc cho DN tư nhân lớn. Như vừa qua, TP.HCM cùng một tập đoàn lớn trao đổi cách làm đường sắt đô thị từ trung tâm TP.HCM về Cần Giờ. Cách làm này hoàn toàn có thể mở rộng ra các lĩnh vực khác như cải tạo kênh rạch, nhà ở xã hội, đường thủy, đường bộ để hình thành các dự án, huy động nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Chủ động ứng phó những thách thức mới

Nhìn vào các chỉ đạo, phiên làm việc thời gian qua, có thể thấy lãnh đạo Trung ương và TP.HCM đều luôn nhận thức rõ những biến chuyển liên tục, phức tạp của địa chính trị, kinh tế thế giới, khu vực, từ đó chủ động đề ra các hướng ứng phó. Ở tầm quốc gia và thành phố, tôi nghĩ chúng ta không hề bị động. Nhưng chủ động như thế nào trong sự xoay chiều, kể cả xoay trục khá bất ổn như hiện nay đòi hỏi một tầm nhìn, bản lĩnh suy xét tình hình và hành động linh hoạt, uyển chuyển mà đúng đắn, hợp lý, hiệu quả.

Có thể phác thảo 2 hoặc 3 kịch bản tăng trưởng trong điều kiện cuộc chiến thuế quan toàn cầu. Khi trụ cột xuất khẩu bị tác động mạnh thì 2 trụ cột còn lại là đầu tư công và tiêu dùng cần phải tăng tốc để vừa hoàn tất nhiệm vụ của mình, vừa là trụ đỡ cho những khó khăn đang gặp phải. Thực tế, các dự án hạ tầng giao thông tiếp tục tăng tốc, kể cả từ hạ tầng đô thị - logistics mở rộng ra hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ, hạ tầng số đều đang được thành phố tính đến cũng như nhiều biện pháp đang sẵn sàng kích hoạt mạnh cho tiêu dùng, dịch vụ, thương mại…

TP.HCM cần nắm bắt thời cơ, sẵn sàng hành động, dựa vào KH-CN và đổi mới sáng tạo thúc đẩy các động lực tăng trưởng từ cả phía cung và phía cầu. Trong đó, ưu tiên giải quyết các vướng mắc, bất cập để giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tinh gọn bộ máy, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ bộ máy công quyền; kiện toàn bộ máy khi mở rộng địa giới hành chính để phát huy hiệu quả liên kết vùng...

Các tin khác

Ăn ít vào buổi tối có tốt không?

Tôi có thói quen ăn ít vào buổi tối, nhưng nhiều thông tin nói rằng bữa tối cũng rất quan trọng, vậy việc ăn ít đem lại lợi ích hay hại sức khỏe? (Đức, 38 tuổi, Hà Nội).

Giá vàng giảm mạnh

Sáng nay (2/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Vàng miếng SJC có nơi giảm còn 118,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 114,5 triệu đồng/lượng.

Lý do tái định cư Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm

Trong khi người dân "khan" nhà ở, nhiều dự án nghìn tỷ phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Hà Nội xây xong lại bỏ hoang, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội, chủ đầu tư lao đao.

Giá vàng rơi thẳng đứng

Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng trong phiên giao dịch Mỹ ngày 1.5, nâng tổng mức giảm trong ngày lên 84 USD/ounce, tương ứng mức mất giá mạnh nhất lên 2,6%.