Bộ Công an cho biết, sáng nay, 10/4/2025, Công an xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhận được thông tin bà L, sn: 1971, trú tại thôn Kỳ Đông, xã Cổ Đạm về việc có một người lạ tự xưng là "Luật sư" gọi điện giúp bà giải quyết 1 vụ án liên quan đến bà L; đề nghị bà L chuyển số tiền 25.000.000đ.
Xác định đây là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, Công an xã đã tuyên truyền, vận động, giải thích và ngăn chặn hành vi trên. Qua làm việc bà L đã nhận thức được nội dung sự việc và cảm ơn lực lượng Công an xã đã hỗ trợ.

Bà L đã nhận được cuộc gọi lạ tự xưng luật sư yêu cầu chuyển tiền. Ảnh: Bộ Công an
Thời gian gần đây, tình trạng lợi dụng danh nghĩa Luật sư để lừa đảo đang ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Những đối tượng này đã lợi dụng sự tin tưởng và uy tín của các Luật sư để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây hoang mang, bức xúc và lo lắng trong cộng đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng và uy tín của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi như tạo tài khoản giả mạo để quảng cáo dịch vụ pháp lý, kêu gọi hỗ trợ lấy lại tiền cho nạn nhân qua các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, với các cam kết thu hồi hoàn toàn số tiền bị treo. Chúng còn tự xưng là Luật sư đang làm việc tại các tổ chức này nọ, gửi thông tin địa chỉ giả trùng với địa chỉ của các tổ chức Luật sư thật.
Thậm chí, các đối tượng còn chế tạo thẻ Luật sư giả, giả mạo chứng chỉ hành nghề và con dấu, tài liệu để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Những nạn nhân của các vụ lừa đảo này có thể là những người dân ít thông tin, không tiếp cận nhiều với các phương tiện truyền thông, hoặc đang gặp vấn đề pháp lý, bị kẹt tiền trên nền tảng trực tuyến, và do tâm lý ngại ngùng không muốn công khai sự việc, họ dễ dàng trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng này lập các fanpage, nhóm trên mạng xã hội và chạy quảng cáo để dụ dỗ nạn nhân tham gia.
Trong một số trường hợp, các đối tượng yêu cầu nạn nhân không tiết lộ các thông tin đã trao đổi với bất kỳ ai, để tránh cho nạn nhân có thời gian kiểm tra và thông báo cho cơ quan chức năng.
Mặc dù nhiều nạn nhân không phạm pháp, nhưng do bị đe dọa và gây hoang mang, họ trở nên sợ hãi và không đủ tỉnh táo để phân biệt giữa thật và giả. Ngoài việc chiếm đoạt tiền, các đối tượng còn dùng thủ đoạn thao túng tâm lý để ép nạn nhân làm theo yêu cầu trái pháp luật và đạo đức.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo qua mạng khi tìm kiếm dịch vụ pháp lý, người dân cần tìm kiếm thông tin từ các website chính thức của các tổ chức Luật sư, tra cứu danh bạ Luật sư trên trang web của Đoàn Luật sư các tỉnh thành.
Khi cần liên hệ với một Luật sư, người dân cần xác thực thông tin qua số điện thoại và nếu có thể, hãy đến trực tiếp văn phòng Luật sư để nhận tư vấn, chỉ chuyển phí thù lao sau khi đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Người dân cũng không nên chuyển tiền ngay cho các đối tượng lạ khi chưa có đủ thông tin rõ ràng. Nếu đã bị lừa, việc lấy lại tiền sẽ rất khó khăn vì các đối tượng lừa đảo thường ẩn danh hoặc giả mạo thông tin.
Nếu không thể đến trực tiếp gặp tư vấn, người dân có thể nhờ người quen, bạn bè ở gần khu vực kiểm tra thông tin về tổ chức Luật sư để đảm bảo tính chính xác. Nếu đã bị lừa, nạn nhân cần nhanh chóng làm đơn tố cáo và trình báo vụ việc cho cơ quan Công an gần nhất.